Hà Nội: Kiến nghị giải ngân theo tiến độ để đẩy nhanh dự án đường sắt đô thị

ANTD.VN - Chiều 2-8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đoàn giám sát do Chủ nhiệm Uỷ Ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh làm phó đoàn.

Các thành viên đoàn công tác đều đánh giá cao hiệu quả công tác sử dụng vốn vay nước ngoài của TP Hà Nội. Nhiều công trình từ nguồn vốn này có sức lan tỏa, hiệu quả và ấn tượng với nhân dân Thủ đô và cả nước mà điển hình là công trình cầu Nhật  Tân  (vốn ODA Nhật Bản)…

Trưởng đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Hải đánh giá cao cách làm của Hà Nội khi đã chủ động trao đổi với các nhà tài trợ; sẵn sàng vốn đối ứng; sắp xếp lại bộ máy các BQL dự án và nâng cao năng lực cán bộ... “aCác dự án ODA ở Thủ đô đã được triển khai hiệu quả, nhất là các dự án giao thông, thoát nước”, Chủ nhiệm Uỷ Ban Tài chính – Ngân sách của quốc hội nói.

Sau khi đại diện các BQL dự án, các sở ngành của TP trả lời các câu hỏi mà đoàn công tác đặt ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, tất cả dự án đầu tư công, chương trình vay đều được Thành ủy, HĐND TP xem xét thông qua.

Đặc biệt, nhờ tiết kiệm chi, TP không phải phát hành 8.000 tỷ trái phiếu. Nguồn vốn này được Hà Nội chủ động cho các dự án đường sắt đô thị.

Tuy nhiên với các dự án đường sắt đô thị, theo quy định hiện nay, việc giải ngân vốn ODA thực hiện theo hạn mức mỗi năm và các đơn vị chỉ thi công chưa đến nửa năm đã hết vốn làm chậm tiến độ... Do đó, Chủ tịch UBND TP kiến nghị đoàn công tác báo cáo Quốc hội, Chính phủ để giải ngân theo tiến độ dự án để đảm bảo sớm đưa dự án vào khai thác, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định dù đã chủ động tiết kiệm chi, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các dự án trọng điểm nhưng Thủ đô vẫn rất cần nguồn vốn của Chính phủ để giải quyết các dự án lớn như dự án làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ, hay các dự án đường sắt đô thị…

Nhấn mạnh nhu cầu về vốn của TP là rất lớn, cần tăng cường nguồn lực, Chủ tịch UBND TP cho biết, trong tổng kết 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới, TP đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ giữ nguyên phần điều tiết 35% từ tổng thu ngân sách của TP trong thời gian tới để Hà Nội không bị “hụt hơi” trong đầu tư phát triển; sửa Luật Đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương cho phép TP dùng nguồn vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp để đầu tư các dự án đường sắt đô thị.

“Hà Nội rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét tạo cơ chế đặc thù để đẩy nhanh việc cải tạo các chung cư cũ”, Chủ tịch UBND TP nói.

Ghi nhận các kiến nghị xác đáng của TP Hà Nội, Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Đức Hải cho biết, qua quá trình kiểm tra ở nhiều nơi, đã đến lúc khắc phục tình trạng đầu tư phân tán vốn ODA; “nhà nhà đi vay, người người đi vay” để tập trung các dự án lớn như giao thông kết nối, phòng chống thiên tai, thoát lũ, xử lý ô nhiễm…

Ông Hải cho biết, với các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, dư luận, ĐBQH hết sức quan tâm…  “Dự án rất lớn mà không được đưa vào dự án đầu tư công trung hạn của cả nước thì không ổn. TP cần khẩn trương báo cáo Quốc hội, Chính phủ để đưa vào danh sách để thời gian tới được bố trí nguồn vốn. Chúng tôi hết sức ủng hộ thành phố”, ông Hải nhấn mạnh.

Trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị TP tiếp tục tập trung tháo gỡ công tác GPMB không để ảnh hưởng tiến độ; các kiến nghị của TP sẽ được đoàn công tác tiếp thu, báo cáo Quốc hội xem xét.