Hà Nội: Kiểm tra an toàn PCCC đối với 100% cơ sở sản xuất gỗ, sản phẩm cao su

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công an Hà Nội đang triển khai kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và sản phẩm cao su trên toàn địa bàn thành phố.

Kế hoạch tổng kiểm tra nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố trong công tác PCCC và CNCH, phát huy sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC và CNCH tại các cơ sở trên địa bàn thành phố, nhất là cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su.

Kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ

Kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ

Đồng thời, qua kiểm tra đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm cao su trên địa bàn. Kịp thời phát hiện hướng dẫn và xử lý 100% các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định.

Theo lãnh đạo CATP Hà Nội, căn cứ kết quả kiểm tra, sẽ chủ động phát hiện những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, tham mưu các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố.

CAH Thạch Thất kiểm tra cơ sở sản xuất gỗ ở xã Hữu Bằng
CAH Thạch Thất kiểm tra cơ sở sản xuất gỗ ở xã Hữu Bằng

Theo kế hoạch, các đơn vị sẽ bắt đầu triển khai công tác rà soát, tổng kiểm tra từ ngày 25-6 đến hết ngày 15-12, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su thuộc danh mục quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và khu dân cư.

Nội dung kiểm tra đi sâu vào việc thực hiện trách nhiệm PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ sở. Kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối với cơ sở, tập trung kiểm tra hồ sơ; đường giao thông dành cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC và các nguồn nước chữa cháy. Duy trì mặt bằng, công năng sử dụng, giải pháp thoát nạn, trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống thiết bị, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt...

Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đối với cơ sở có nguy cơ cháy nổ.