Hà Nội đồng ý lập Tổ xét nghiệm COVID-19 tự nguyện tại cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -

TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan; tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ xét nghiệm COVID-19 tự nguyện theo quy định của Bộ Y tế và thành phố; tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

UBND các quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương triển khai thực hỉện việc thành lập, tổ chức hoạt động của Tổ xét nghiệm COVID-19 tự nguyện tại cộng đồng trên địa bàn quản lý theo Hướng dẫn Quy chế hoạt động tại Tờ trình số 13817/TTr-SYT ngày 02/9/2021 của Sở Y tế.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản đề xuất nội dung này. Do yêu cầu về xét nghiệm tại Hà Nội với quy mô lớn và kịp thời nên rất cần có giải pháp hỗ trợ và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng thực hiện xét nghiệm nếu dịch bùng phát.

Theo Sở Y tế Hà Nội, Tổ xét nghiệm COVTD-19 tự nguyện tại cộng đồng là một nhóm từ 2-10 người. Việc lựa chọn thành viên của Tổ xét nghiệm ưu tiên theo thứ tự: cán bộ y tế đang làm việc tại tất cả các cơ quan y tế công, tư trên địa bàn hoặc đã nghỉ hưu; sinh viên các trường y, dược; người đã được đào tạo về khối ngành liên quan đến sức khỏe, y sinh học hoặc hóa học; giáo viên các cấp, người đã được đào tạo trình độ cao đẳng đại học; đoàn viên thanh niên, công nhân tại các nhà máy...

Tổ xét nghiệm sẽ hỗ trợ cán bộ y tế trong hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm tại cộng đồng; lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển và bàn giao mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, cho cán bộ y tế trong các chiến dịch lấy mẫu diện rộng;

Thực hiện xét nghiệm nhanh (test nhanh) kháng nguyên COVID-19 tại cộng đồng theo kế hoạch của trung tâm y tế, trạm y tế; Tổ xét nghiệm ưu tiên cho hoạt động lấy mẫu và làm test nhanh trong các chiến dịch xét nghiệm diện rộng, nguy cơ, khu phong tỏa và dưới sự giám sát của cán bộ y tế. Trong trường hợp cần thiết, có thể xem xét tham gia thu thập mẫu bệnh phẩm của F1, F2.

Người tham gia trên tinh thần tự nguyện, có thể có rủi ro nhiễm bệnh như các cán bộ y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; Có thể được hỗ trợ kinh phí từ các nguồn theo đúng quy định của pháp luật, được cung cấp trang bị phòng hộ, dụng cụ làm việc từ kinh phí chống dịch các địa phương hoặc các nguồn hỗ trợ hợp pháp;

Được tập huấn, hướng dẫn thực địa, hướng dẫn sử dụng trang bị phòng hộ; được ưu tiên tiêm phòng vaccine phòng bệnh; được xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 theo quy định khi có chỉ định về mặt dịch tễ; được hưởng các chế độ chính sách hợp pháp khác theo quy định của Trung ương, thành phố.