Kênh truyền thông Mỹ CNN:

Hà Nội - điểm đến hòa bình, thịnh vượng và hòa giải xung đột thế giới

ANTD.VN - Kênh truyền thông Mỹ CNN ngày 27-2 đã có bài viết lý giải về quá trình vươn lên từ bom đạn chiến tranh để Hà Nội hôm nay trở thành điểm đến hòa bình, thịnh vượng và hòa giải xung đột của thế giới.

Hà Nội - điểm đến hòa bình, thịnh vượng và hòa giải xung đột thế giới ảnh 1

Hà Nội - điểm đến hòa bình, thịnh vượng và hòa giải xung đột thế giới ảnh 2

Bệnh viện Bạch Mai hiện tại và ký ức năm 1972 đổ nát vì bom Mỹ

Hà Nội: Số phận lịch sử của pháo đài kiên cố nhất thế giới

Ngày 18-12-1972, hai chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã cất cánh từ Sân bay U-Tapao ở Thái Lan và căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để bắt đầu một cuộc hành quân lớn nhất trong lịch sử không quân. Điểm đến của họ - Hà Nội - Thủ đô của miền Bắc Việt Nam. Nhiệm vụ của họ - Đánh bom một thành phố được coi là pháo đài kiên cố nhất thế giới lúc bấy giờ. Chiến dịch sẽ được lặp lại trong 11 ngày liên tục.

Để rồi 47 năm sau, trong tuần này, Thủ đô Hà Nội trở thành nơi tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cho cuộc gặp trực tiếp lần thứ hai.

Vào năm 1954, Hà Nội chỉ có 53.000 dân, sống trên diện tích 152km2. Ngày nay, Hà Nội rộng hơn 3.000 km2 và có dân số hơn 7 triệu người. Các tòa nhà chọc trời mọc lên khắp các khu đô thị mới ở ngoại ô thành phố. Những đổi thay về mặt cấu trúc kể từ khi kết thúc chiến tranh và bắt đầu công cuộc cải cách mang tên Đổi mới được cho là một trong những lý do chính khiến Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Đối với Washington, Việt Nam là bằng chứng cho thấy sự thù hận không tồn tại mãi mãi. Đối với Bình Nhưỡng, đó là bằng chứng cho thấy một hệ thống đảng đơn nhất cầm quyền có thể giám sát một nền kinh tế thông minh.

Một thời đạn bom…

Duong Van Mai Elliott sinh ra ở Hà Nội, lên 4 tuổi thì gia đình bà rời đi vào năm 1954 thế kỷ trước. Bà Elliott và gia đình chuyển đến TP.HCM, nơi nhiều năm sau bà làm việc cho Tập đoàn RAND hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ trong phỏng vấn và nghiên cứu các tù binh Cộng sản. Sống ở Mỹ, bà đã viết một cuốn tiểu thuyết kể lại trải nghiệm của gia đình mình: “Cây liễu thiêng, bốn thế hệ trong cuộc đời của một gia đình Việt Nam” từng lọt vào chung kết của Giải thưởng Pulitzer năm 2000.

Hà Nội mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thấy không phải là một trong những “vết sẹo” của chiến tranh. Đó là nơi gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại. Họ sẽ thấy một thành phố đã hồi sinh sau một cuộc chiến tàn khốc và đang phát triển mạnh trong nền kinh tế toàn cầu - một đô thị tự tin vào những hứa hẹn trong tương lai.

Mặc dù Elliott rời Hà Nội khi còn nhỏ, bà vẫn nhớ đó là “một thành phố rất yên tĩnh, lãng mạn, cổ kính, đầy lịch sử và truyền thống”. “Khi đó, người Pháp đã ở Việt Nam được gần 80 năm và kiến trúc của Hà Nội đã có được diện mạo của Pháp, bên cạnh khu phố cổ. Hầu như không ai có xe hơi. Ùn tắc giao thông và ô nhiễm là không có”, bà Elliott nói.

Trong ký ức của người phụ nữ này, khu phố cổ là những con đường và cửa hàng nhỏ, nơi bà ngoại của bà có một cửa hàng tơ lụa, khi đó ít nhiều còn nguyên vẹn, mặc dù được chuyển đổi với các tiện nghi hiện đại như vỉa hè và đường phố, có điện và nước sinh hoạt.

Hà Nội đã hứng chịu những trận bom tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh với Mỹ vào cuối năm 1972 trong Chiến dịch Linebacker II. Mục đích của Mỹ khi đó là dùng đòn vũ lực đưa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại bàn đàm phán sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ và chính quyền của Tổng thống Mỹ Richard Nixon nghĩ rằng một cú sốc và chiến dịch kinh hoàng sẽ làm nên chuyện.

Đến cuối Chiến dịch Linebacker II, Không quân Mỹ đã điều hơn 700 chiếc máy bay ném bom B-52 và thả 15.000 tấn bom đạn. Hơn 1.300 người đã thiệt mạng tại Hà Nội. Bà Elliott cho biết, người thân của bà ở Hà Nội nói với bà rằng vụ đánh bom dịp Giáng sinh năm đó là ký ức kinh hoàng nhất đối với họ trong suốt cuộc chiến. “Những người sống sót đã kể với tôi khi họ bước ra ngoài, xác người nằm la liệt xung quanh”, bà Elliott nói.  

Một thời hòa bình

Năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai bị trúng bom, cả bệnh nhân và nhân viên bệnh viện thiệt mạng. Một phần tòa nhà chính của bệnh viện đã bị phá hủy nghiêm trọng. Tiến sĩ, bác sĩ Carl Bartecchi của trường Đại học Colorado (Mỹ) hiện nay mỗi năm lại đến Bệnh viện Bạch Mai 2 lần, mỗi lần từ 2 đến 3 tuần để dạy học cho sinh viên. Ông đã đến Hà Nội từ năm 1997, khi phần lớn thành phố rất khác so với hiện nay. “Hồi đó, khi lái xe vào thành phố, tất cả hai bên từng là cánh đồng lúa.

Bạn sẽ thấy trâu và người nông dân đang cày ruộng. Bây giờ có rất nhiều tòa nhà mọc lên và cây cọ dọc 2 ven đường. Có nhiều cầu mới để đi vào thành phố và trên đường đi, bạn thấy một số tòa nhà cao tầng mới” - bác sĩ Bartecchi chia sẻ - “Nhưng khu vực phố cổ vẫn giữ được một nét quyến rũ nhất định. Phố cổ, phía Bắc hồ Hoàn Kiếm không thay đổi nhiều”.

Sự chuyển đổi của Hà Nội chỉ bắt đầu từ năm 1986, hơn 10 năm thống nhất đất nước. Đó là khi Hà Nội ban hành cải cách thị trường để thúc đẩy nền kinh tế, được gọi là Đổi mới. Jonathan Stromseth, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Lee Kuan Yew tại Viện Brookings đánh giá: “Việt Nam quyết định tự do hóa nền kinh tế xuất phát từ bối cảnh tăng trưởng bế tắc, lạm phát ở mức khoảng 500% mỗi năm. Nếu muốn sống sót, không có lựa chọn nào khác ngoài cải tổ”.

Thành phố tiếp tục biến chuyển giữa cũ và mới. Elliott nói rằng bà đã không thấy hiệu quả của cải cách ở thời điểm năm 1993, khi bà lần đầu tiên trở lại Hà Nội sau gần 40 năm. Thành phố vẫn giữ được vẻ đẹp của nó, không có gì thay đổi quá nhiều. “Tôi nhớ đường phố vắng tanh. Mọi người di chuyển trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, ọp ẹp. Có rất ít nhà hàng và quán cà phê nhưng người dân cũng không có tiền để vào”. Tuy vậy, mỗi chuyến đi sau này của bà đến Hà Nội, thành phố ngày càng trở nên khang trang và hiện đại hơn.

Với bà Duong Van Mai Elliott, Hà Nội mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thấy không phải là một trong những “vết sẹo” của chiến tranh. Đó là nơi gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại. Hai nhà lãnh đạo có thể đi trên các con đường cao tốc mới dẫn vào trung tâm, băng qua những cầu vượt mới bắc qua sông Hồng, vượt qua những ngôi nhà mới xây, nhà cao tầng, nhà máy, cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê và khách sạn. “Họ sẽ thấy một thành phố đã hồi sinh sau chiến tranh tàn khốc và đang phát triển mạnh trong nền kinh tế toàn cầu - một đô thị tự tin vào những hứa hẹn trong tương lai”, bà Elliott nói.