Hà Nội đề xuất không tăng học phí năm 2022-2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 9-9, nội dung xem xét mức học phí năm học 2022-2023 và vấn đề thiếu trường học ở Hoàng Mai được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn thông tin về mức học phí năm 2022-2023

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Quang Tuấn thông tin về mức học phí năm 2022-2023

Về Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023 sắp trình HĐND TP sắp tới, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định của Chính phủ.

Theo đó, mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP cao hơn mức thu học phí của Hà Nội năm học 2021-2022.

Hiện nay, về cơ bản, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế thành phố đang từng bước phục hồi, ổn định.

Tuy nhiên, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để đảm bảo an sinh xã hội, UBND TP dự kiến đề xuất học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022 (bao gồm cả việc hỗ trợ 50% học phí).

Phần chênh lệch so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngân sách Thành phố sẽ cấp bổ sung cho các đơn vị. Dự kiến ngân sách thành phố phải hỗ trợ khoảng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng cho năm học 2022-2023.

Ngoài chính sách trên, UBND TP dự kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.

Theo đó, có 2 đối tượng được hỗ trợ, cụ thể: Học sinh học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã miền núi (được hỗ trợ 100% học phí); Học sinh thuộc đối tượng giảm học phí theo quy định của Chính phủ (được hỗ trợ toàn bộ phần học phí còn lại, sau khi đã hưởng chính sách giảm học phí theo quy định của Chính phủ).

Với chính sách trên, học sinh ở khu vực miền núi và học sinh thuộc đối tượng giảm học phí sẽ không phải đóng học phí. Dự kiến, kinh phí ngân sách hỗ trợ khoảng hơn 17 tỷ đồng.

Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng thông tin thêm, sáng 9-9, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định chủ trương giữ nguyên học phí năm 2022-2023 như năm trước dù theo lộ trình phải tăng học phí. Cùng đó, TP dành hơn 600 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ 50% học phí; dự kiến cấp bổ sung cho các đơn vị khoảng 520 tỷ đồng...

"Hà Nội dành hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ về học phí, là đơn vị hỗ trợ cao nhất cả nước. Điều đó thể hiện rõ sự quan tâm của thành phố", Chánh văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện phải bốc thăm để vào trường mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai thời gian qua, đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai đã thông tin cụ thể.

Theo đó, quận Hoàng Mai hiện có có 227 tòa nhà chung cư cao tầng, 2 chung cư cũ. Quận có mật độ dân cư cao nhất TP. Riêng phường Hoàng Liệt có 85 chung cư, 5 tòa đang xây dựng.

Dân số phường Hoàng Liệt có 92.000 người; tăng 2.000 trẻ mầm non hàng năm. Có 11 trường, 79 nhóm, lớp mầm non độc lập. Năm học 2022-2023, trường mầm non Hoàng Liệt chỉ tiếp nhận được 1.202 học sinh trong đó 333 học sinh từ 3-4 tuổi trong khi có 718 học sinh đăng ký.

Trường đã họp với phụ huynh, tổ dân phố, bí thư chi bộ để tìm kiếm giải pháp. Đa số đồng tình với cách bốc thăm.

Về quy hoạch mạng lưới trường học, UBND quận Hoàng Mai tiếp tục rà soắt, tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Riêng phường Hoàng Liệt dự kiến xây dựng 2 trường mới trong thời gian tới.