- Thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2024-2025
- Học sinh, sinh viên mắc suy thận, ung thư, tim mạch được BHYT chi trả hàng tỷ đồng
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội đề nghị ban hành Nghị quyết “Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán và cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội”.
Theo UBND TP Hà Nội, hệ thống cấp cứu ngoại viện được triển khai tại các cơ sở công lập hoạt động 24/24h, đảm bảo cấp cứu, vận chuyển người bệnh phục vụ gần 10 triệu dân thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của bệnh nhân, là giai đoạn quyết định sống chết của người bệnh.
Thời gian qua, các hoạt động trên đang được duy trì tốt về chuyên môn cũng như ngân sách chi trả. Tuy nhiên, hoạt động trên cần được củng cố và phát triển nhiều hơn để phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Khi đó, coi hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định đã quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo đó, ngân sách nhà nước chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Tại tờ trình, UBND TP Hà Nội đề xuất danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán của thành phố Hà Nội bao gồm: Quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua tạo lập, cập nhật, quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân của người dân trên địa bàn; Khám bệnh, tư vấn, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khỏe tại nhà; Cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực cấp cứu ngoại viện của TP Hà Nội bao gồm: Hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị (khi được yêu cầu);
Cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh; Cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh; Cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh.