Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng: Giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp

ANTĐ - Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, trách nhiệm tổ chức tuyển sinh các lớp đầu cấp mẫu giáo, lớp 1, lớp 6 thuộc về UBND các quận, huyện với yêu cầu bắt buộc phải đủ chỗ cho học sinh.   

* Giảm trái tuyến để hạ áp lực
* Kêu gọi sẻ chia trách nhiệm


Rà soát ban đầu cho thấy, năm học mới 2015-2016, số lượng học sinh lớp 1 và lớp 6 tiếp tục tăng ở một số quận nội thành. Để giảm áp lực tuyển sinh, đảm bảo điều kiện cho học sinh đúng tuyến được vào học, các quận này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, cải tạo trường lớp. Tuy nhiên, vẫn cần có sự chia sẻ áp lực tuyển sinh từ những trường ngoài công lập.

Hà Nội đầu tư hàng trăm tỷ đồng: Giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp ảnh 1
Số lượng học sinh đầu cấp gia tăng khiến nhiều trường lâm vào cảnh quá tải


Giảm trái tuyến để hạ áp lực

Bà Bùi Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, một trong những quận nội thành có nhiều trường từ mầm non đến THCS có “thương hiệu” cho biết, dự đoán trước tình trạng quá tải tuyển sinh đầu cấp nên quận đã lên kế hoạch giải quyết, tránh gây bức xúc cho  phụ huynh, học sinh.

“Số liệu điều tra của quận Cầu Giấy cho thấy năm nay trẻ mẫu giáo 3 tuổi tăng 300, học sinh lớp 1 tăng 500, lớp 6 tăng 300 học sinh. Để đáp ứng chỗ học cho hơn 1.000 học sinh so với năm trước, quận đã đầu tư cơ sở vật chất tốt với 24 dự án xây mới, cải tạo có kinh phí hơn 500 tỷ đồng”, bà Vân Anh cho biết. Một trong những điểm nóng của quận là trường THCS Cầu Giấy với mô hình giáo dục chất lượng cao. Để giảm áp lực tuyển sinh cho trường này, theo bà Vân Anh, quận kiên quyết thực hiện xét tuyển công bằng, không có ngoại lệ.

Bên cạnh đó, việc bán hồ sơ, xét tuyển… sẽ được công khai, phân chia thời gian phù hợp tránh gây quá tải, chen lấn, tạo điểm nóng về tuyển sinh. Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, quận này hướng tới tăng học sinh THCS học 2 buổi/ngày nên dù áp lực tuyển sinh lớn vẫn phải giảm sĩ số lớp, giảm trái tuyến. Được biết, một trong những trường có sức hút tuyển sinh mạnh của quận này là THCS Ngô Sỹ Liên năm nay sẽ giảm 2  lớp 6.

Còn theo bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, quận này đã rà soát, xây dựng xong kế hoạch tuyển sinh. “Khó khăn về tuyển sinh của quận là tỷ lệ chung cư cao tầng lớn, số học sinh tăng hơn 1.000 cháu. Năm nay, quận đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mở rộng các lớp nhưng vẫn còn trường hợp như trường Tiểu học Khương Mai dù chật chội nhưng trẻ vào lớp 1 rất đông”- bà Lê Mai Trang cho biết. Để giảm tải vào trường này, quận đã phải đưa ra phương án không tuyển sinh những trường hợp mới nhập hộ khẩu về địa bàn trong năm 2015. 

Kêu gọi sẻ chia trách nhiệm

Tăng gần 4.000 học sinh ở cả 3 cấp học, quận Hà Đông cũng đã sớm đưa ra giải pháp giảm sức nóng tuyển sinh. “Chúng tôi đã mời đại diện các trường và các phòng chức năng của quận họp, xây dựng kế hoạch tuyển sinh từ tháng 4-2015 để có phương án phân tuyến phù hợp. Quận đã lường trước dân số tăng cơ học nên đã đưa việc xây thêm trường vào quy hoạch quỹ đất từ các năm trước. Năm nay đã hoàn thành 4 dự án trường mới và 5 trường sẽ được bàn giao cuối năm 2015, đồng thời vẫn tiếp tục đầu tư quỹ đất xây trường mới cho năm 2016”, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng còn quỹ đất để xây thêm trường mới, đáp ứng lượng học sinh tăng vọt. Quận Ba Đình được coi là một trong những quận nội thành khó khăn nhất về quỹ đất. “Mặc dù nhận được sự hỗ trợ giảm tải từ các quận Cầu Giấy, Tây Hồ nhưng lượng học sinh của quận Ba Đình vẫn rất lớn trong khi cơ sở vật chất điều kiện thấp, chưa đến 50% trường đạt chuẩn quốc gia”, đại diện lãnh đạo UBND quận này cho biết. Một trong những kiến nghị của trường này là tăng cường xã hội hóa, đặc biệt là cần có quy định những trường ngoài công lập, trường thuộc các đơn vị không trực thuộc thành phố như trường Thực nghiệm, Thực hành Hoa Sen… cần có trách nhiệm chia sẻ một phần chỉ tiêu nhất định cho con em người dân trên địa bàn trường đóng. 

Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu, trách nhiệm tổ chức tuyển sinh các lớp đầu cấp mẫu giáo, lớp 1, lớp 6 thuộc về UBND các quận, huyện với yêu cầu bắt buộc phải đủ chỗ cho học sinh. Phó Chủ tịch UBNT TP cũng cho rằng, việc thông qua Ban Thường vụ quận, huyện sẽ giúp công tác tuyển sinh được quản lý theo hệ thống, hạn chế tình trạng “chạy” trường, “chạy” lớp, xin trái tuyến. Được biết, Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện thành lập Ban tuyển sinh đầu cấp để kiểm tra công tác này trong tháng 7 tới, song song với đó là kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện dạy thêm, học thêm các bậc học đúng quy định.

Rà soát ban đầu cho thấy, năm học mới 2015-2016, số lượng học sinh lớp 1 và lớp 6 tiếp tục tăng ở một số quận nội thành. Để giảm áp lực tuyển sinh, đảm bảo điều kiện cho học sinh đúng tuyến được vào học, các quận này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, cải tạo trường lớp. Tuy nhiên, vẫn cần có sự chia sẻ áp lực tuyển sinh từ những trường ngoài công lập.