- Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố đê điều tại Chương Mỹ
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến hiện trường vụ sạt lở ở Hòa Bình chỉ đạo khắc phục hậu quả
- 77 người chết và mất tích do mưa lũ, áp thấp sẽ mạnh lên thành bão

Nhiều xã ở huyện Chương Mỹ vẫn đang bị ngập sâu do ảnh hưởng của mưa lũ
Trong ngày 12-10, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Giám đốc Sở Nguyễn Khắc Hiền đã về thăm hỏi các hộ dân nằm trong vùng ngập lụt thuộc xã Nam Phương Tiến – một trong số xã bị ảnh hưởng nặng nhất bởi mưa lũ của huyện Chương Mỹ - và làm việc với UBND xã về công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ.
Ngoài xã Nam Phương Tiến, hiện có 11 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ bị ngập lụt nặng nề nên khó khăn lớn nhất là vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
Trên cơ sở xác định đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân là quan trọng nhất theo chỉ đạo của thành phố, ngay trong buổi công tác này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã chỉ đạo Bệnh viện Da liễu Hà Nội hỗ trợ 1.000 cơ số thuốc bôi ngoài da cho người dân vùng lũ; chỉ đạo Bệnh viện Mắt Hà Đông hỗ trợ 6.000 lọ thuốc phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ cho người dân.
Đồng thời, cả hai bệnh viện nói trên đều đã cử y, bác sĩ trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ việc tư vấn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân vùng lũ lụt.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền (đội mũ) về kiểm tra công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho dân bị ngập lụt ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ)
Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Trạm y tế các xã bị ngập lụt đảm bảo bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, chuẩn bị phương tiện, thuốc men để sẵn sàng tiếp nhận và khám cho người dân, đề phòng các trường hợp ốm đau, bệnh tật được cứu chữa kịp thời.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với TTYT huyện Chương Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền ngay cho người dân các xã bị ngập lụt biện pháp vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; Đóng gói, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng cloramin B, phèn chua để xử lý nước sinh hoạt hàng ngày; Hướng dẫn người dân vùng ngập lụt biết cách chủ động phòng tránh các dịch bệnh thường gặp khi mưa lũ như sốt xuất huyết; sốt rét; đau mắt đỏ; bệnh ngoài da; các bệnh đường tiêu hóa như tả, lị, tiêu chảy; rắn độc cắn; điện giật; đuối nước…