Hà Nội: Ca bệnh sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần

ANTD.VN - Sở Y tế Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng trong tuần qua (từ 19 đến 25-6), toàn thành phố ghi nhận mới 574 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với nhiều ổ dịch nhỏ rải rác trong nội thành.

Trong tuần qua, nhiều bệnh nhân mắc SXH phải nhập viện

Sở Y tế Hà Nội nhận định, do thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa nên số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 9-11.

Ổ dịch giữa nội thành 

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai (129 ca), Đống Đa (127 ca), Hai Bà Trưng (46 ca), Hà Đông (35 ca), Thanh Trì (32 ca), Nam Từ Liêm (32 ca), Thanh Xuân (30 ca). Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.576 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5. Ngành y tế đã ghi nhận khá nhiều ổ dịch quy mô nhỏ ở các quận nội thành như Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm…

Chẳng hạn, tại quận Cầu Giấy, từ đầu năm đến nay có 92 ca mắc SXH, trong đó ghi nhận 12 ổ dịch SXH. Hiện 11 ổ dịch đã được xử lý triệt để, chỉ còn ổ dịch tại phường Mai Dịch đang hoạt động. Đây là ổ dịch có nhiều bệnh nhân mắc nhất với 26 bệnh nhân. 

Chiều 27-5, trực tiếp giám sát công tác dập dịch tại ổ dịch phường Mai Dịch, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, ngành y tế Hà Nội đang nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát. Tương tự tại quận Nam Từ Liêm, từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận 94 ca mắc SXH (tăng gấp 4 lần so với năm 2016), trong đó ổ dịch ở phường Mễ Trì có số ca mắc cao nhất (với 44 ca), tiếp đến là phường Trung Văn (23 ca)… Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, với những ổ dịch dưới 50 ca mắc được xác định là ổ dịch nhỏ, từ 50-100 ca là ổ dịch vừa và trên 100 ca là ổ dịch lớn. 

Từ đầu vụ dịch SXH ở Hà Nội đến nay, đã ghi nhận khá nhiều trẻ nhỏ mắc SXH diễn biến nặng do nhập viện muộn hoặc được chẩn đoán nhầm trước đó. SXH là một bệnh rất nguy hiểm với trẻ nhỏ nhưng do biểu hiện bệnh không rõ ràng khiến nhiều bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua. 

Đề cập về số ca mắc SXH tăng đột biến, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, công tác điều tra xử lý ổ dịch nhỏ chưa triệt để và chất lượng chiến dịch diệt bọ gậy còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa lập được danh sách hộ gia đình trong khu vực ổ dịch; số hộ gia đình tham gia phun hóa chất chưa đạt tỷ lệ mong muốn là trên 90%. Chiến dịch diệt bọ gậy ở một số xã, phường còn nặng về hình thức mà chưa làm quyết liệt, triệt để. 

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội , việc phòng chống dịch đang gặp một số khó khăn do người dân chưa hoàn toàn hợp tác trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Một số nơi, công tác chỉ đạo của cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân)

Nhiều trẻ nhỏ phải cấp cứu vì SXH 

Từ đầu vụ dịch SXH ở Hà Nội đến nay, đã ghi nhận khá nhiều trẻ nhỏ mắc SXH diễn biến nặng do nhập viện muộn hoặc được chẩn đoán nhầm trước đó. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay tiếp nhận 27 trẻ nhập viện do SXH, trong đó riêng tháng 6 đã chiếm 13 ca.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, SXH là một bệnh rất nguy hiểm với trẻ nhỏ nhưng do biểu hiện bệnh không rõ ràng khiến nhiều bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua. Có những trẻ bị sốt, rát họng đến ngày thứ ba, thứ tư mới nhập viện vì trước đó bố mẹ cứ nghĩ cháu bị viêm họng do uống nước đá, khi nhập viện thì bệnh đã rất nặng. 

Bác sĩ Lâm khuyến cáo, trong bối cảnh dịch SXH đang gia tăng nhanh như hiện nay, nếu thấy trẻ lên cơn sốt mà gia đình hoặc hàng xóm có người SXH thì nên nghĩ đến khả năng trẻ cũng mắc SXH. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh nặng lên như: nôn trớ nhiều, đau bụng, bứt rứt, quấy khóc, li bì, chân tay lạnh, tím tái, vã mồ hôi, hảy máu mũi, đại tiện phân đen…

Cũng tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2017 đến nay đã tiếp nhận 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản, trong đó riêng từ đầu tháng 6 đến nay đã có tới 21 trẻ nhập viện vì căn bệnh này. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%), đặc biệt dễ khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ.