Hà Nội: Buýt thường sắp chung làn với buýt nhanh BRT

ANTD.VN - Đề xuất cho phương tiện khác đi chung vào làn xe buýt nhanh BRT trong khoảng thời gian từ 23h đêm đến 4h sáng và cho buýt thường đi vào làn buýt nhanh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, để tận dụng tối đa diện tích mặt đường, Trung tâm đang nghiên cứu kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội cho các phương tiện khác lưu thông vào làn xe buýt nhanh BRT để tránh lãng phí.

“Hiện nay đang cấm các loại phương tiện lưu thông vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh cả ngày lẫn đêm. Song, khoảng thời gian từ 23h đêm đến 4h sáng xe buýt nhanh lại không lưu thông, nên tận dụng đường để cho các phương tiện khác lưu thông”, ông Hải bày tỏ.

Xe buýt thường sẽ được đi vào làn xe buýt nhanh BRT

Nhiều ý kiến cho rằng, khoảng thời gian từ 23h đến 4h sáng ít phương tiện lưu thông, đường rộng và không cần thiết phải mở đường BRT, song chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, theo quy định hiện hành, vẫn cấm các phương tiện lưu thông vào làn xe buýt nhanh BRT 24/24h. Hơn nữa, tại nhiều điểm có gắn camera để xử phạt nguội, nếu không được phép mà lưu thông vào thì các phương tiện vẫn bị xử phạt như bình thường.

Tuy nhiên, ý kiến cho xe buýt thường lưu thông vào làn xe buýt nhanh mới đang khiến người dân quan tâm. Nhiều người cho rằng, nếu cho xe buýt thường đi vào đường của buýt nhanh BRT thì rất dễ tạo xung đột, buýt nhanh BRT sẽ trở thành… buýt thường.

Về vấn đề này, ông Hải cho hay, việc cho phép xe buýt thường đi chung làn buýt nhanh BRT mới đang nghiên cứu ý tưởng và chưa có đề xuất. Trung tâm đã nghiên cứu tổ chức giao thông trước và sau nút đều có điểm mở, ngoài vạch liền, xe buýt thường chỉ được ra vào ở các nút giao thông đó chứ không phải chạy dọc hành trình mà chỉ rất ngắn.

“BRT và buýt thường được ưu tiên qua các nút giao thông nhanh nhất có nghĩa là ủng hộ vận tải công công được ưu tiên tối đa. Buýt thường là những tuyến buýt gom, dịch vụ tốt, chạy nhanh thì khách gom sẽ tăng và từ đó kéo theo khách đi buýt BRT đông”, ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, nhiều nước cũng đã cho buýt thường và buýt nhanh đi chung, cho 1 làn ưu tiên riêng cho phương tiện công cộng đi trước qua các nút, nếu được thành phố Hà Nội thông qua, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị sẽ  triển khai luôn nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

“Hơn nữa, buýt nhanh BRT và buýt thường chỉ đi chung làn qua các một số nút giao thông ở đoạn ngắn nhằm thoát tắc nhanh hơn, chứ không phải chạy dọc hành lang”, ông Hải nhấn mạnh.