Lập lại trật tự khu vực giáp ranh (2)

“Hạ nhiệt” điểm nóng

ANTĐ - Một trong những “tuyệt chiêu” được các địa bàn áp dụng là xây dựng mô hình liên kết cụm an ninh tạo thành vành đai khép kín đảm bảo ANTT. Ngoài ra, đối với lực lượng công an thường xuyên tăng cường lực lượng, tuần tra kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn các vụ phạm pháp hình sự.

“Hạ nhiệt” điểm nóng ảnh 1
Lực lượng CS 113 thường xuyên tuần tra 
kiểm soát tại các khu vực giáp ranh


Nhiều giải pháp hợp lý

Thiếu tá Hoàng Quốc Hưng, Phó Trưởng Đồn Công an số 23 cho biết, Từ Liêm đang trong quá  trình đô thị hóa, kéo theo đó là nhiều hệ lụy phức tạp về ANTT. Do đó để khu vực Phùng Khoang giảm phạm pháp hình sự, Đồn Công an số 23 đã có nhiều biện pháp tích cực như khống chế thời gian bán hàng chỉ đến 23h; tổ CAPTX phối hợp với các lực lượng khác giải quyết trật tự đô thị; xử lý các đối tượng bán hàng rong, nhất là những người lấn sang phần đường dành cho xe buýt. Với các cửa hàng kinh doanh vàng bạc, Đồn Công an số 23 thường xuyên tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác với những đối tượng khả nghi đến mua bán vàng, lắp đặt các thiết bị bảo vệ an ninh để phối hợp với lực lượng công an giải quyết khi xảy ra sự cố; ký liên kết kiểm tra với các khu vực Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam và kiểm tra chéo giữa các đơn vị. Vì đây là khu vực có nhiều người đến thuê trọ nên theo Thiếu tá Hưng, công tác quản lý nhân hộ khẩu, ngành nghề có điều kiện phải mở hồ sơ theo dõi thường xuyên. Đồn Công an số 23 cũng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với chủ nhà trọ không đến khai báo tạm trú; thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các vụ việc để người dân nắm được thông tin tình hình trên địa bàn, từ đó nâng cao được nhận thức của mình.

Khu vực giáp ranh luôn xuất hiện các đối tượng phức tạp, do đó để đấu tranh với các đối tượng này, Đại úy Vũ Trường Giang, CSKV CAP Quỳnh Lôi chia sẻ, phải có kế hoạch quản lý giám sát chặt chẽ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với từng loại đối tượng cụ thể. Những việc làm này, người CSKV phải phối hợp với các lực lượng khác của CAP, CAQ, những cá nhân tiêu biểu ở cơ sở. Có như vậy thì người CSKV mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Ngày 24-4 vừa qua, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị thống nhất chương trình phối hợp giải quyết tình hình ANTT, an toàn giao thông đô thị tại các địa bàn giáp ranh, do UBND quận Đống Đa tổ chức, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã đề nghị Công an các quận phối hợp cùng chính quyền, cơ quan hữu quan rà soát lại địa giới hành chính tại địa bàn giáp ranh, xây dựng cơ chế phối hợp tuần tra, xử lý vi phạm.

Đồng chí yêu cầu công an các quận, phường - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 197 tại địa bàn phải nghiên cứu, tham mưu các phương án giải quyết tình trạng xe ô tô, taxi đỗ dừng trước cửa các bệnh viện lớn; quy định cụ thể đơn vị chủ trì công tác phối hợp xử lý vi phạm tại các địa bàn giáp ranh và thường xuyên tổ chức giao ban, đối thoại giữa các đơn vị…

Nhiệm vụ được đặt ra đối với lực lượng công an trong việc xóa các tụ điểm địa bàn giáp ranh đó là tổ chức điều tra cơ bản về địa bàn, tuyến, xác định tụ điểm, điểm, từ đó phân cấp để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm giải quyết triệt để các vi phạm về TTATXH, TTGT, TTĐT tại địa bàn giáp ranh; tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, sắp xếp lại trật tự hè, đường phố không để tình trạng các hộ kinh doanh mặt phố lấn chiếm hè để bày bán hàng hóa, hoạt động kinh doanh dịch vụ; hướng dẫn người dân để phương tiện đi lại trên hè đảm bảo trật tự, mỹ quan, thống nhất. Sau khi xác định địa giới hành chính cụ thể từng quận, phường, lập biên bản ghi nhớ để xác định địa bàn, phổ biến tới từng CBCS nhằm nâng cao trách nhiệm không đùn đẩy sang địa bàn khác. Khi xảy ra vụ việc trên địa bàn nào thì nơi đó tổ chức điều tra thụ lý giải quyết chính, địa bàn giáp ranh phối hợp thực hiện; thường xuyên bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra xử lý các vi phạm trên địa bàn; tổ chức duy trì kết quả thực hiện tại các khu dân cư. 

Để nâng cao hiệu quả việc xóa tụ điểm tại các khu vực giáp ranh, 6 quận gồm Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy đã ký cam kết thống nhất chương trình phối hợp để giải quyết tình hình về ANTT, TTGT, TTĐT tại các địa bàn giáp ranh. Theo đó, khi tổ công tác phát hiện các hành vi vi phạm không được phân biệt địa bàn, cùng hỗ trợ nhau để kiểm tra xử lý đúng theo quy định, không đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm. Đối với các khu vực phức tạp về ANTT, ma túy, TTGT, TTĐT cần có sự phối hợp của các phòng nghiệp vụ CATP để giải quyết. Những địa bàn giáp ranh ít phức tạp hơn thì các quận, phường chủ động hàng ngày thường xuyên bố trí lực lượng, phương tiện để phối hợp giải quyết khi có yêu cầu giữa phường với phường, quận với quận. Tang vật và các phương tiện vi phạm thuộc địa bàn của đơn vị nào thì đưa về đơn vị đó để xử lý theo quy định. Các lực lượng cũng cần thường xuyên trao đổi thông tin với nhau về mọi mặt tình hình khu vực giáp ranh để chủ động phối hợp giải quyết. 

Trong tháng 4 vừa qua, bám sát chỉ đạo của đồng chí Giám đốc CATP, Phòng CSTT đã kết nối các địa bàn nội thành tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm ở các tuyến đường liên quận, liên tuyến. Nhờ có mô hình này, ở các địa bàn giáp ranh đã không còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. 

Với sự quyết liệt vào cuộc của lực lượng công an và chính quyền cơ sở, tình hình ANTT tại các khu vực giáp ranh đã bắt đầu có sự ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và sẽ phát sinh những tụ điểm thuộc các địa bàn giáp ranh mới, do đó, đòi hỏi lực lượng chức năng cần phải có nhiều biện pháp tích cực hơn, xóa được tụ điểm vùng giáp ranh và ngăn chặn không để phát sinh những tụ điểm mới.