Hạ giọng trước lằn "ranh giới đỏ"

ANTD.VN - Những động thái mới nhất từ Mỹ và Triều Tiên  cho thấy, cả hai bên đều không muốn bước qua lằn “ranh giới đỏ” trên bán đảo Triều Tiên bởi những hậu quả thảm khốc có thể mang lại.

Triều Tiên diễn tập quân sự lớn nhất từ trước đến nay trong khi đội tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson đang tới vùng biển thuộc bán đảo Triều Tiên

Giới quan sát không khỏi bất ngờ khi các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump  “hạ giọng” mong muốn đưa Triều Tiên quay trở lại con đường đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này cũng như ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt để gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.

Những tuyên bố thể hiện sự “xuống thang” khá rõ này càng đáng chú ý hơn khi là nội dung chính trong tuyên bố chung của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats ngay sau phiên họp đặc biệt với hơn 100 Thượng nghị sĩ Mỹ tại Nhà Trắng ngày 26-4.

Thái độ mới nhất trên đây trái ngược hẳn với việc Washington đang ráo riết “điều binh khiển tướng” tới bán đảo Triều Tiên. Nhóm tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson với gần 100 máy bay chiến đấu hiện đại cùng hơn 250 quả tên lửa Tomahawk đang trên đường tới bán đảo Triều Tiên và sẽ tới khu vực này trong tuần này. Biên đội tàu sân bay chiến đấu còn được bổ sung thêm “móng vuốt” là tàu ngầm hạt nhân USS Michigan mang tới 154 quả tên lửa Tomahawk, đã đặt bán đảo Triều Tiên trong “tầm ngắm” của hơn 400 quả tên lửa có uy lực phá hủy chỉ kém vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mỹ điều lực lượng tác chiến mạnh tới khu vực bán đảo Triều Tiên khi mà Triều Tiên liên tục tiến hành bắn thử tên lửa, mới nhất là vụ bắn thử tên lửa ngày 16-4 vừa qua, tức là chỉ một ngày sau vụ diễu binh lớn chưa từng thấy, kỷ niệm 105 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đáng lo ngại hơn, những chuẩn bị tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri cho thấy Triều Tiên đang sẵn sàng cho cuộc thử hạt nhân lần thứ 6, điều mà Mỹ cho là sẽ vượt “lằn ranh giới đỏ” mà Washington để ngỏ “mọi giải pháp”, kể cả đánh “đòn phủ đầu”.

Đáp lại những đòn “nắn gân” và “dằn mặt” của Washington, Bình Nhưỡng cũng có những tuyên bố và hành động cứng rắn không kém. Cùng với các tuyên bố như kêu gọi “Mỹ hãy đầu hàng”, dùng 5 triệu quả bom nguyên tử “xóa sổ nước Mỹ”…, Triều Tiên ngày 26-4 đã tổ chức diễn tập quân sự lớn chưa từng thấy với sự thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi 300-400 khẩu đại bác cùng nhả đạn.

Sự leo thang sức mạnh quân sự của cả hai phía Mỹ và Triều Tiên có thể đưa lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo về những “hậu quả bi thảm” nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, trong khi đó đích thân Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương, khi điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 26-4 cũng đã thừa nhận các bên, trong đó có Triều Tiên và Hàn Quốc, sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề một khi Washington phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng. 

Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa vượt qua “ranh giới đỏ” - tiến hành thử hạt nhân, Mỹ cũng chưa bước quá lằn ranh giới đầy nguy hiểm này - tấn công quân sự Triều Tiên bởi những người trong cuộc biết rõ hơn ai hết hậu quả thảm khốc của nó. Sự “hạ giọng” và “xuống thang” của các bên vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này sẽ hé mở cơ hội nối lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.