Gửi hàng qua xe khách lỏng lẻo, thiếu kiểm soát đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua việc gửi hàng hóa qua xe khách diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh tính nhanh gọn, thuận tiện, dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do việc khai báo thông tin, kiểm tra hàng hóa của cả bên gửi và bên nhận hàng còn lỏng lẻo, sơ sài…

Từ mất, hư hỏng hàng đến…chuyển nhầm hàng cấm

Là người có nhu cầu nhận, gửi hàng hóa thường xuyên, chị Nguyễn Thanh Phương ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, do bán hàng online nên hàng tuần, chị thường gửi hàng qua xe khách về các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình…và nhận thực phẩm từ Nghệ An chuyển ra.

Theo chị Phương, từ trước đến nay, hình thức gửi hàng qua xe khách vô cùng tiện lợi, bên gửi không cần kê khai, xuất trình giấy tờ, thủ tục giao nhận đơn giản, giá thành rẻ, thời gian vận chuyển nhanh nên ngày càng được nhiều người dân lựa chọn.

Tuy vậy, việc gửi hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hàng thất lạc, hư hỏng, thậm chí cả cháy nổ... do công tác quản lý giao nhận, ký gửi hàng hóa còn lỏng lẻo. Bên nhận chỉ cần mang hàng ra bến xe hoặc điểm tập kết và nói đó là hàng gì, thanh toán tiền cước, phụ xe không cần kiểm tra cho luôn hàng lên xe.

Việc gửi hàng qua xe khách hiện khá lỏng lẻo, sơ sài

Việc gửi hàng qua xe khách hiện khá lỏng lẻo, sơ sài

“Đã có vài lần tôi bị thất lạc hàng, nhưng do hàng là quần áo, có giá trị thấp và khi gửi hai bên cũng chỉ giao kết miệng, không có cơ sở nào bắt đền nhà xe nên tôi đành… cho qua” - Chị Phương cho biết.

Có mặt tại Bến xe Mỹ Đình sáng 23-8, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khách tới gửi đồ, rồi nhận đồ từ nhà xe diễn ra khá nhộn nhịp. Giá gửi tùy thuộc vào trọng lượng món đồ, thông thường 1 gói bưu phẩm nhỏ có phí vận chuyển dao động từ 50 - 70.000 đồng; 1 thùng cát tông đồ cước từ 100 - 200.000 đồng.

Các xe khi nhận hàng không có biên lai, chỉ cần khách ghi số điện thoại, địa chỉ bên nhận trên gói hàng. Đến gần địa điểm giao hàng, phụ xe sẽ gọi điện thoại cho người nhận. Khi đó, người nhận chỉ cần nói đúng thông tin gói hàng nhà xe sẽ trả hàng. Hầu như cả lái xe lẫn phụ xe đều không kiểm tra xem có phải hàng cấm hay chất dễ cháy nổ không mà chỉ tin theo lời người gửi.

Ai chịu trách nhiệm?

Hầu hết giao dịch gửi hàng hóa, bưu phẩm diễn ra chớp nhoáng, thông tin về người gửi không có, nên nếu các đối tượng xấu lợi dụng dịch vụ này để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, thực phẩm độc hại... thì nhà xe sẽ gặp phải khá nhiều phiền phức.

Cách đây không lâu, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam các đối tượng Nguyễn Xuân Trường (SN 1994) và Nguyễn Tiến Mạnh (SN 2004, cùng trú tại Phú Xuyên 3, Phú Châu, Ba Vì) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng này thường đi dọc QL32 để theo dõi có người nào gửi hàng cho các xe khách rồi bám theo xe để giả danh nhân viên hoặc người thân của những người gửi hàng yêu cầu nhà xe cho xin lại hàng nhằm chiếm đoạt tài sản rồi đem bán lấy tiền tiêu xài.

Nguy hiểm hơn, vào tháng 4 vừa qua, một lái xe Grab tại Hà Nội đã giao nộp hơn 1.000 viên ma túy tổng hợp cho cơ quan công an. Người này cho biết đã nhận được đơn hàng từ quận Long Biên giao cho một nam giới chưa xác định được nhân thân. Khi đến nơi, lái xe không liên lạc được với người nhận và cả người gửi nên đã trình báo cơ quan công an.

Về dịch vụ gửi hàng hóa qua xe khách, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi nhận hàng do nhà xe không yêu cầu bên gửi khai báo thông tin cá nhân nên khi xảy ra “sự cố” với món hàng, họ có thể phải đối diện với nhiều rắc rối pháp lý.

Còn với bên gửi, do việc gửi hàng hóa, bưu phẩm hầu hết dưới dạng giao dịch miệng nên nếu hàng hóa hư hỏng, thất lạc sẽ rất khó đòi bồi thường.

Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định, hàng hóa gửi trên xe khách thuộc trách nhiệm chính của lái xe, nhân viên phục vụ.

Những đối tượng trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm vận chuyển các loại hàng cấm hoặc hàng hóa cháy, nổ gây nguy hiểm cho hành khách.

“Lái, phụ xe khi nhận hành lý, hàng hóa của khách, phải xác minh người gửi lẫn người nhận để có thể truy trách nhiệm khi hàng hóa đó là hàng cấm, hàng do phạm tội mà có. Về phía người dân, để tránh rủi ro cần chọn gửi đồ ở những hãng xe có đăng ký dịch vụ này, có phiếu biên nhận...

Và điều quan trọng nhất, theo tôi, đã đến lúc phải có quy định siết chặt dịch vụ gửi hàng hóa qua xe khách - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.