Góp ý về dự án thành phố đôi bờ sông Hồng

(ANTĐ) - Dự án quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng đoạn Hà Nội dài hơn 40km dự kiến chia thành 4 khu: Khu quốc tế đa năng, khu tổ chức sự kiện quốc tế, khu lưu thông hàng hóa và khu dân cư.

Góp ý về dự án thành phố đôi bờ sông Hồng

(ANTĐ) - Dự án quy hoạch phát triển hai bờ sông Hồng đoạn Hà Nội dài hơn 40km dự kiến chia thành 4 khu: Khu quốc tế đa năng, khu tổ chức sự kiện quốc tế, khu lưu thông hàng hóa và khu dân cư.

Khu vực 1 (từ cầu Thăng Long tới điểm cuối dự án) có diện tích 250ha; khu vực 2 (từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương) phát triển các khu vực cư trú liên kết với đô thị mới Hà Nội, ở đây sẽ có các trung tâm tài chính quốc tế, sân vận động thể thao...; khu vực 3 (từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì) diện tích 230ha dành cho xây dựng khu trung chuyển hàng hóa phức tạp như: sân bay, liên kết khu công nghiệp, chợ bán buôn, trung tâm chuyển phát... và một số khu cư trú.

Khu vực 4 (từ cầu Thanh Trì đến điểm đầu dự án giáp ranh Hà Nội – Hưng Yên) diện tích 1.080ha được quy hoạch khu cư trú, vành đai xanh và công viên Olympic...

Tổ dự án Hà Nội – Seoul cho biết: dự án còn tạo ra vùng đất “vàng” với khoảng 2.462ha trong đó 560ha xây  khu cư trú, nhà ở; 830ha xây dựng các khu vực sự kiện quốc tế; 590ha xây các công trình công cộng; 212ha xây dựng công viên đô thị; 120ha xây khu thương mại và 40ha còn lại dành cho các khu trung chuyển hàng hóa. Với những hạng mục trên, dự tính tổng kinh phí cho dự án là 7.099 triệu USD.

Chi phí công trình chính là 1.924 triệu USD; bao gồm chỉnh trị sông (581 triệu USD), công viên ven sông (279 triệu USD), đường ven sông (574 triệu USD); chi phí phát triển nhà và hình thành các khu là 3.611 triệu USD; chi phí bồi thường tái định cư là 1.564 triệu USD, phụ thuộc chủ yếu vào kêu gọi đầu tư trong, ngoài nước và quỹ đất tạo ra từ dự án.

Phối cảnh khu vực 2 thành phố bên sông Hồng
Phối cảnh khu vực 2 thành phố bên sông Hồng

Phía Hàn Quốc sẽ áp dụng những kinh nghiệm quy hoạch, phát triển sông Hàn vào nghiên cứu cho sông Hồng với sự đảm bảo gần như chắc chắn, thay đổi khu vực này; chống lũ biên độ 250 năm, cải tạo toàn bộ đê điều, môi trường sông đến lòng dẫn, biến nơi đây tương lai sẽ thành khu đô thị sầm uất tầm cỡ quốc tế.

170.000 dân (39.000 hộ) sẽ phải di dời, chi phí cho bồi thường, tái định cư lên tới 1,5 tỷ USD. Phương án bồi thường cho các đối tượng này là bồi thường bằng tiền, cung cấp chung cư (diện tích 60-150m2) hoặc cho thuê dài hạn.

Dự án kéo dài 13 năm trong đó riêng việc di dân phải thực hiện đồng thời 12 năm (2008-2020) chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn đầu từ 2008-2012 di dời 11.000 hộ dân khu vực 1; giai đoạn 2 từ 2013-2016 di dời 19.300 hộ dân khu vực 2, khu vực 3; giai đoạn 3 từ 2017-2020 di dời gần 8.700 hộ dân khu vực 4.

Đây là một dự án lớn có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, tính phức tạp cao nhưng thông tin về dự án còn quá ít, nhiều thông tin về dự án chưa rõ ràng, cụ thể, nên nhân dân khó có thể góp ý hiệu quả, cần phải công khai rộng rãi, chi tiết hơn trong đợt triển lãm tại khu thể thao Quần Ngựa.

Với tư cách là công dân Hà Nội, tôi góp đôi ý vào dự án như sau:

1. Nên xây dựng một dự án riêng về chỉnh trị sông Hồng (coi đó là tiền dự án) với mục tiêu chống ngập lụt, tăng khả năng thoát lũ, luôn giữ được mực nước trung bình cần thiết và dòng chảy hiền hòa, chống xói mòn đất trong khu vực sông nhưng vẫn đảm bảo lượng phù sa cấp nước tưới cho nông nghiệp (chỉ khi dự án chỉnh trị sông Hồng mang tính tổng thể từ điểm giáp biên giới Việt Trung đến cửa sông có tính khả thi mới tiến hành dự án trên).

2. Điều quan tâm trước hết của nhân dân vùng dự án là việc tái định cư tại chỗ bởi mục đích của dự án là phục vụ quốc kế dân sinh, người dân thuộc vùng dự án phải được hưởng phúc lợi xã hội do dự án mang lại cho nên cần quy hoạch nhà ở của dân theo dọc hai bờ sông Hồng (có thể lập phương án di dân tạm thời và quy hoạch xây dựng vùng tái định cư  tại chỗ trước để cho nhân dân có chỗ ở ổn định).

3. Về quy hoạch cơ sở hạ tầng: từ 7 chiếc cầu bắc qua sông Hồng nên nối với 7 đại lộ hai bên bờ sông, giữ nguyên thực trạng vùng nội thành phía Nam sông Hồng (trừ vùng dự án). Phía Bắc sông Hồng nên quy hoạch cơ bản hạ tầng cơ sở theo đường bàn cờ để tránh ùn tắc giao thông và tiện cho việc phân chia khu vực hành chính.

4. Về kiến trúc và quy hoạch xây dựng: nên quy định các công trình xây dựng được quy hoạch cao dần từ bờ sông trở vào, có thể khu dân cư giáp bờ sông tối đa từ 3-5 tầng, tiếp theo đó là 7-10 tầng và cao dần, các tòa cao ốc phải lùi sâu vào phía trong vừa tránh sự lún, sụt vừa đẹp mắt khi tất cả các công trình xây dựng đều được nhìn rõ từ bờ sông và đón gió Nam chắn gió Bắc.

Hà Nội nghìn năm văn hiến đã được trải nghiệm qua thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chúng ta đang ở thời khắc đó, đòi hỏi mỗi người nghĩ gì, làm gì vì Hà Nội? Phải chăng tự đáy lòng mình hãy góp đôi ý để Hà Nội ngày một to đẹp hơn, văn minh và giàu mạnh, hợp ý Đảng lòng dân.

Luật sư Lê Đức Bính