Gói tài khóa phục hồi kinh tế 346.000 tỷ đồng: Cần câu trả lời kết quả thu lại là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về gói tài khóa, tiền tệ trị giá hơn 346.000 tỷ đồng cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội song nhiều ĐBQH cũng đề nghị cần có cam kết về hiệu quả đầu ra, kết quả thu lại...
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) thảo luận tại Quốc hội

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) thảo luận tại Quốc hội

Sáng 7-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đề cập đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra của chương trình. Đại biểu cho rằng mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được các kết quả lớn hơn.

"Câu hỏi đặt ra là với hơn 346 nghìn tỷ đồng, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Và với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra” – nữ ĐBQH đoàn Hà Nội phân tích, đồng thời bày tỏ băn khoăn rằng nếu trong Nghị quyết không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả của gói tài khóa này.

Về danh mục dự án được sử dụng nguồn lực tại chương trình phục hồi kinh tế, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng danh mục dự án chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.

Cũng quan tâm đến danh mục được hưởng hỗ trợ từ chương trình phục hồi kinh tế, ĐBQH Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng, đây là thời điểm "vàng" cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải, tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân còn ít nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng.

Theo ĐB Trần Đình Văn, với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ, đáp ứng yêu cầu kích cầu kinh tế.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu quan điểm cần tăng cường hỗ trợ cho vấn đề lao động và việc làm. Theo bà Thủy, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm. Chỉ tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giảm, giãn giờ làm việc.

Do vậy, theo ĐB Thủy, trong bối cảnh bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt trước dịch bệnh, để hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề lao động. Cụ thể, cần tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, cần dành nguồn lực thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân, cần bố trí nguồn lực phù hợp để hỗ trợ kinh phí xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc…