Trật tự đô thị Hà Nội (2)

Gỡ “khó” cho vỉa hè

ANTĐ - Thực trạng còn lộn xộn, phức tạp ở nhiều tuyến vỉa hè tại Hà Nội cho thấy: chỉ đơn thuần công tác xử lý sẽ khó có thể đạt được trật tự bền vững. Cùng với tuyên truyền, xử lý, nhất định phải có sự nghiên cứu, bố trí sắp xếp chỗ để phương tiện cho người dân.

Vỉa hè phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm), thênh thang

Bất hợp lý, thiếu thống nhất

Tiếp xúc với cán bộ đại diện cấp phường ở nhiều địa bàn nội thành, chúng tôi ghi nhận băn khoăn chung: vì sao đối với những tuyến phố có vỉa hè trên 3 mét, cơ quan quản lý không quy định bố trí chỗ để xe hay trông giữ phương tiện cho người dân? Lấy ví dụ như trục thông suốt Trương Định - Bạch Mai - Phố Huế - Hàng Bài, chạy qua 2 quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm; việc cấm để xe trên hè đối với trục Trương Định - Bạch Mai là hợp lý, bởi lưu lượng phương tiện trục đường này đông, trong khi vỉa hè lại dưới 2 mét. Không “cấm” xe trên hè, sẽ khó đảm bảo thông thoáng cho trục đường này. Nhưng dịch lên trục Phố Huế - Hàng Bài, diện tích vỉa hè tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, câu hỏi đặt ra là: cũng áp “lệnh cấm” như trục Trương Định - Bạch Mai liệu đã thực sự hợp lý? 

Đã bao giờ cơ quan quản lý nắm bắt, trao đổi những khó khăn trong duy trì trật tự đô thị đối với các phường như Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Hàng Bài? Nguyên nhân của những khó khăn ấy cũng như mong muốn của người dân, của chính quyền cơ sở? Và đã bao giờ cơ quan quản lý làm một phép thử thí điểm cho một chặng nào đó trên trục Phố Huế - Hàng Bài; giao cho cấp cơ sở bố trí chỗ để xe trên hè cho người dân, từ đó “đo đếm” lợi – hại so với chủ trương “cấm” duy trì rất nhiều năm nay? Trao đổi về quan điểm bố trí để phương tiện trên hè, Đại tá Hoàng Thanh Bình - Trưởng phòng CSTT CATP Hà Nội cho rằng: “Trừ những tuyến đường phố nằm trong hành lang bảo vệ, còn lại nếu vỉa hè trên 3 mét nên bố trí chỗ để phương tiện cho người dân”.

Một thực trạng trong công tác duy trì trật tự vỉa hè lâu nay là sự thiếu thống nhất trong quy định cũng như trong xử lý. Phố Huế, cứ phương tiện dừng đỗ bị phát hiện sẽ bị xử lý. Nhưng lên đến Phố Huế thuộc quận Hoàn Kiếm hay lên Hàng Bài, cũng diện tích ấy, chiều đường ấy, phương tiện vẫn xuất hiện nhan nhản trên hè. Thậm chí có thời điểm, vỉa hè phố Hàng Bài còn được bố trí trông giữ xe. Song song với Phố Huế là trục Bà Triệu; theo khảo sát của chúng tôi những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, vỉa hè thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm khá vắng bóng phương tiện. Nhưng sang “đất” quận Hai Bà Trưng, đoạn đối diện Viện Mắt Trung ương, xe máy, xe đạp lại được bố trí 1 hàng. Và có cả 1 điểm trông giữ vừa được cấp phép trước cửa Viện Mắt, mặc dù lâu nay, vỉa hè trục đường này bị “cấm” tổ chức trông giữ phương tiện.

Gỡ “khó” cho vỉa hè ảnh 2
Còn bên Hai Bà Trưng lại chen chúc

“Cây gậy mới” đảm bảo trật tự đô thị

Trật tự giao thông - đô thị đã, đang và luôn là vấn đề được lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết. Tháng 12-2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 14 về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và giảm ùn tắc giao thông; quản lý lòng đường, vỉa hè và bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tinh thần của Chỉ thị này là cấp ủy Đảng, chính quyền phải chịu trách nhiệm, phải chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc để đảm bảo trật tự giao thông - đô thị. Trung tuần tháng 4-2013, CATP chỉ đạo Phòng CSTT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện triển khai mô hình xử lý, đảm bảo trật tự giao thông - đô thị liên tuyến. Đây có thể xem là động thái chủ động, tích cực của lực lượng công an, nhằm tạo sự ra quân đồng bộ giữa các địa bàn, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” cũng như xóa được phức tạp ở những tuyến, vùng giáp ranh.

Mới đây, ngày 9-5, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 15, quy định về “Quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”. Quyết định số 15 - được xem là “cây gậy mới” trong lĩnh vực đảm bảo trật tự giao thông - đô thị - sẽ thay thế Quyết định số 20, ngày 16-4-2008 của UBND TP, về việc ban hành quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn TP Hà Nội. Ông Trần Việt Hải - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hai Bà Trưng nhìn nhận: “Quyết định 15 ban hành thời điểm này là rất hợp lý. Thứ nhất, nó thay thế cho Quyết định 20 ban hành cách đây đã 5 năm, tất yếu không theo kịp thực tế của những quy định. Thứ hai, cùng với Quyết định 15, sẽ có những quy định mới đối với những tuyến phố được phép để xe, trông giữ xe nói riêng. Và trách nhiệm nghiên cứu, khảo sát lên danh sách các tuyến phố ấy đã được quy định rất rõ trong Quyết định 15”. 

Đề cập đến Quyết định số 15, ông Cáp Sỹ Phong - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, tính đáp ứng “thời sự” và tính thống nhất chính là ưu điểm của Quyết định mới này. “Đơn cử như nguyên tắc bố trí để xe toàn thành phố, Quyết định số 15 đã đề cập, quy định rất rõ, từ đó tránh được quy định mang tính “ngẫu hứng” của mỗi địa bàn”, ông Phong nói, và đánh giá, thẩm quyền cũng như quy định về trách nhiệm của cơ quan các cấp, từ thành phố đến quận, huyện đối với lĩnh vực trật tự giao thông - đô thị cũng đã được nêu cụ thể trong Quyết định 15. “Cây gậy mới” về đảm bảo trật tự giao thông - đô thị đã có. Những tồn tại, khó khăn lâu nay trong công tác quản lý, xử lý vi phạm cũng đã được nhìn nhận tương đối kỹ càng. Khi nhu cầu gửi, để phương tiện chính đáng của người dân được bố trí, sắp xếp hợp lý, vi phạm tất yếu giảm. Và lực lượng chức năng sẽ không còn phải đau đầu vì “điệp khúc” vi phạm tràn lan.