Giữ vững chủ quyền biển đảo trong ổn định, hòa bình

ANTĐ - Hôm qua, 14-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH TP Hà Nội tiếp tục tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 (quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ). Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cũng tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 2 (quận Đống Đa, Hai Bà Trưng) trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phát biểu trước các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1, cử tri Huỳnh Thống (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) mong muốn, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội sắp tới phải đảm bảo công bằng, khách quan. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ phản ánh thực chất từng người, là thước đo mức độ hoàn thành trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Ông Huỳnh Thống nói: “Kết quả tín nhiệm thể hiện sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân. Được như vậy, cử tri nói riêng và nhân dân cả nước nói chung sẽ tin tưởng Quốc hội, tin tưởng vào sự thành công của Nghị quyết Trung ương 4”. Cử tri cũng bày tỏ mong muốn kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được công khai.

Phản ánh vấn đề chủ quyền biển đảo, cử tri Phạm Văn Nguyên (phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm) hoan nghênh các chính sách hỗ trợ ngư dân, góp phần đảm bảo an ninh biển đảo, giúp phát triển kinh tế biển. Cử tri kiến nghị: “Cần có thêm chính sách đảm bảo an ninh cho ngư dân, tăng lực lượng hỗ trợ kịp thời để ngư dân yên tâm sản xuất. Vừa rồi tàu ngư dân bị bắn cháy buồng lái, nếu không có hỗ trợ thì ngư dân sẽ rất khó khăn. Ưu tiên hơn nữa để người dân an tâm sản xuất, giữ chủ quyền biển đảo là điều phải làm ngay...”.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi thêm, lấy phiếu tín nhiệm là vấn đề lớn, hệ trọng. Đây là vấn đề nhạy cảm, phải thực hiện hết sức thận trọng. Tổng Bí thư nói: “Có ý kiến đang lo lấy phiếu tín nhiệm có chính xác không? Không cẩn thận người đáng tín nhiệm thì lại thành thấp, người làm ăn không ra gì do chạy chọt lại đạt phiếu cao. Vấn đề này không đơn giản, cần có hướng dẫn, làm thận trọng...”. Nhấn mạnh quyết tâm đổi mới, tăng cường vai trò của ĐBQH, Tổng Bí thư cho rằng, mỗi ĐBQH phải lắng nghe dân để biết được ý kiến thật sự trong dân.

Liên quan tới kiến nghị về tăng cường biện pháp, chính sách hỗ trợ cho ngư dân phát triển kinh tế biển đảo, Tổng Bí thư cho biết, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm tới vấn đề này: “Trong hoàn cảnh hiện nay, phải làm sao vừa giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vừa giữ được ổn định, hòa bình để phát triển, không được để xảy ra phức tạp, xung đột dẫn đến không có điều kiện hoà bình mà phát triển”.

Tại đơn vị bầu cử số 2, bên cạnh những vấn đề vĩ mô như giảm nghèo; tạo việc làm; đảm bảo giá cả sinh hoạt; phòng chống tham nhũng, lãng phí... một số cử tri cũng đề đạt nhiều vấn đề riêng của địa phương. Trong đó, có việc chậm triển khai các dự án trọng điểm đường vành đai I, vành đai II... Cử tri cũng đề nghị chỉ đạo giải quyết tình trạng thiếu trường công lập; tăng cường quản lý dịch vụ internet; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là Luật Thủ đô... 

Tại cuộc tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tiếp thu và làm rõ thêm các ý kiến của cử tri đã nêu. Bí thư Thành ủy cho biết, nhiều vấn đề đã được giải quyết hoặc đang được giải quyết tích cực, như việc chấm dứt thiếu trường ở các quận nội thành; việc xử lý các hộ kinh doanh dịch vụ gây ồn ào, ô nhiễm môi trường; việc xử lý các công trình xây dựng không đúng quy hoạch, sai phép, trái phép; việc cải tạo chung cư Nguyễn Công Trứ, xây dựng vành đai I... Bí thư Thành ủy cũng lưu ý phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai, nhất là những khu đất chưa có quy hoạch, không được phép cho thuê, mượn để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp về sau.