“Giữ lửa” cho nghề tinh hoa

ANTĐ - Được coi là một trong 4 nghề tinh hoa bậc nhất của Thăng Long - Hà Nội với niên đại từ thế kỷ 17, thế nhưng hiện tại nghề đúc đồng Ngũ Xã chỉ còn lại một gia đình bám trụ. “Học nghề không đơn giản, giữ nghề còn khó hơn”, đó là tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng - người đã theo nghề đúc đồng gần nửa thế kỷ. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng và các sản phẩm đúc đồng

Làng đúc đồng thành… phường “phở cuốn”

Làng Ngũ Xã - gồm 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Diên Tiên và Dao Niên, ngày trước là nơi tụ họp những tay thợ giỏi nức tiếng của nghề đúc đồng. Sản phẩm của làng nổi tiếng khắp vùng, trong đó không thể không kể đến là bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen đặt tại Đền Quán Thánh. Ngoài ra, còn có pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đồng đầu tiên ở Việt Nam cao 3,95m, nặng hơn 10 tấn đặt ở chùa Thần Quang, ngay tại làng Ngũ Xã. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng - nghệ nhân lão làng còn sót lại chính là chủ nhân của nhiều bức tượng chân dung những nhân vật lịch sử, những vị anh hùng dân tộc nổi tiếng… được trưng bày tại các bảo tàng, cơ quan trong cả nước. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Ứng có tiếng là một trong những người dựng tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công nhất. Tác phẩm ông nhớ và tự hào nhất là tượng “Bác Hồ - Người cha của các lực lượng vũ trang” đặt trong Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam). 

Ông Nguyễn Văn Ứng cho biết, xã hội biến động, nghề đúc đồng cũng trải qua thời kỳ thịnh, suy. Từ sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, không chỉ riêng ông mà nhiều thợ đúc đồng lấy nghề nhôm để “nuôi” nghề đồng, sản xuất phục vụ cho chiến trường. Cho đến những năm đầu của thập niên 90, khi đời sống khấm khá, làng Ngũ Xã làm ăn phát đạt. “Nhà nhà người người đúc đồng, các gia đình đều có những lò nhỏ trong nhà nên đâu đâu cũng nghe thấy những âm thanh của tiếng đúc đồng” - ông Ứng hồi tưởng. Sản phẩm của làng xuất đi khắp nơi trong cả nước, được ưa chuộng nhất là tượng chân dung và đồ tế lễ như tượng Phật, lư hương, đỉnh, chuông, khánh... Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Thanh Long, con trai ông Nguyễn Văn Ứng, hiện tại, hơn 90% người dân làng đã bỏ nghề hoặc chuyển đi nơi khác. Đoạn giao cắt giữa Ngũ Xã và phố Nguyễn Khắc Hiếu giờ được biết đến như một địa chỉ ẩm thực với đặc sản là… phở cuốn. Cũng bởi nhiều người truyền tai nhau món ăn lạ miệng, mà thực khách ra vào nơi đây cũng tấp nập hơn. 

Nỗi lo thất truyền

Hiện cả làng Ngũ Xã, ngoài ông Nguyễn Văn Ứng thì chỉ còn nghệ nhân Ngô Thị Đan, cũng là chị dâu của ông Ứng còn duy trì nghề. Bởi vậy, trên thực tế, ông Nguyễn Văn Ứng là người gánh vác cơ nghiệp của cả dòng họ. Ngoài phòng trưng bày sản phẩm trên phố Trấn Vũ, ông quản lý xưởng sản xuất rộng xấp xỉ 1.000m2 với 30 thợ đặt tại đường Hồng Hà. Mấy năm nay, ông Ứng dù còn rất yêu nghề những vì tuổi cao, mắt mờ dần, tay bị teo cơ nên phải nghỉ hẳn ở nhà. Toàn bộ công việc ông giao cho hai người con trai Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Thanh Tuấn tiếp quản. Theo anh Nguyễn Thanh Long, đào tạo ra được thợ thành nghề là rất khó. Bởi nghề đúc đồng có nhiều công đoạn từ tạo hình, đắp khuôn, đúc, cho đến làm nguội, chạm…, mỗi người thợ để làm tốt được một công đoạn cũng đã mất vài năm. “Người nhanh nhất là 2 năm, nhưng có những người… 14 năm vẫn chưa làm được gì” - ông Ứng lắc đầu. Do đó, hiện nay, đội ngũ kế cận của ông chỉ có hai người con trai và anh Trần Long - một người cháu là có thể làm thành thục toàn bộ các khâu. Anh Trần Long tâm sự, để làm được khuôn, mỗi người phải mất từ 5 – 10 năm để học nghề. Đối với công đoạn làm khuôn, để chuyển bản vẽ hai chiều trên giấy vẽ thành hình khối, người thợ phải có kiến thức cơ bản về mỹ thuật để có thể phóng to, thu nhỏ tùy ý mà không làm mất đi sự hài hòa, cân đối.

Với tượng chân dung, phải nắm bắt được thần thái của khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt thì bức tượng  mới sống động, có hồn. Giá trị sản phẩm đúc đồng làm ra không phụ thuộc vào kích cỡ to hay nhỏ mà được tính bằng số “công” người thợ bỏ ra để hoàn thiện nó. Học nghề vất vả, không ít người đã bỏ nghề để làm việc khác. 

Trân trọng, yêu nghề bao nhiêu thì những người thợ đúc đồng hôm nay lại lo lắng về sự mai một của một làng nghề bấy nhiêu. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Long cho biết, không dám chắc những thế hệ sau có niềm đam mê, kiên nhẫn để giữ lửa cho nghề của cha ông không nữa. Đây không chỉ là nghề thủ công đơn thuần mà đã trở thành một thành tố nghệ thuật, tâm linh độc đáo trong nền văn hóa kinh kỳ. “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, nghề đúc đồng Ngũ Xã sau nhiều nỗ lực khôi phục, lại đang đứng trước nguy cơ thất truyền…