Giờ làm thêm tăng “kịch trần”, thu nhập của người lao động có cải thiện?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 72 giờ/tháng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, cùng với việc tăng giờ làm thêm, các chuyên gia cho rằng, cần phải đặt sức khỏe, quyền lợi người lao động lên hàng đầu.

Giải pháp tình thế

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số lao động có việc làm trong quý II-2021 chỉ là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm sâu chưa từng thấy từ trước đến nay. Để bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tổ chức sản xuất, doanh nghiệp mất nhiều chi phí như xét nghiệm, tổ chức sắp xếp lại lao động, bố trí ăn ở và phương tiện vận chuyển người lao động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì lượng lao động dưới 50%.

Tại tờ trình gửi Chính phủ về đề xuất tăng giờ làm thêm, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, đặc biệt là đợt dịch bùng phát lần thứ 4, làm đứt gãy sản xuất, doanh nghiệp thiếu hụt lao động, nhất là vào cuối năm. Nhiều công ty vừa chống dịch vừa sản xuất và phải chịu nhiều chi phí. Qua khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, dịch bệnh khiến doanh nghiệp dệt may, da giày giảm 30% - 50% lao động trong khi vẫn cần bảo đảm đơn hàng.

Nếu không có chính sách để doanh nghiệp phục hồi thì dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp và người lao động mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc, với nhu cầu làm thêm hơn 40 giờ/tháng và từ hơn 200 - 300 giờ/năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc. Bộ LĐ-TB&XH cũng cho hay, việc tăng giờ làm thêm tối đa chỉ là đề xuất mang tính cấp bách và chỉ thực hiện trong thời gian ngắn (đến cuối năm 2024).

Thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện

Thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện

Người lao động muốn làm thêm giờ?

Làn sóng người dân hồi hương tránh dịch Covid-19 khiến nguồn nhân lực tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiếu hụt, nhất là với các địa phương vốn tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc nới “trần” làm thêm giờ, không hạn chế nhóm, ngành, nghề, công việc như phương án Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng ca, tận dụng được lực lượng lao động sẵn có, nhất là trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, điện tử vốn luôn “đỏ mắt” tìm lao động.

Theo ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch Công đoàn một công ty may mặc tại Hà Nội chia sẻ, lao động ngành dệt may chủ yếu là nữ. Lực lượng lao động trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp dệt may thường thiếu hụt 20% - 30%, do lao động nữ được nghỉ thời gian mang thai, hưởng chế độ thai sản hoặc nuôi con nhỏ. Do đó, để đáp ứng đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải bố trí thời gian làm thêm giờ vượt mức 300 giờ/năm và phải làm giải trình với đối tác, khách hàng. Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến nguồn lực lao động của ngành, nhiều lao động phải nghỉ việc do là F0, F1; doanh nghiệp phải giãn ca, thu hẹp quy mô sản xuất để phòng dịch khiến áp lực hoàn thành đơn hàng rất lớn. Nếu không tăng giờ làm thêm để bù đắp việc thiếu hụt nhân lực cũng như thời gian lao động thì sẽ không đáp ứng được đơn hàng.

Về phía người lao động, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiền lương tối thiểu vùng không được điều chỉnh, tăng giờ làm thêm cũng đồng nghĩa với việc có điều kiện để tăng thu nhập, thêm nguồn lực trang trải chi phí cuộc sống. Theo quy định, tiền lương làm thêm giờ cũng vượt hơn hẳn so với mức lương thông thường. Khi được hỏi ý kiến, chị Nguyễn Thị Thảo - công nhân một công ty điện tử thuộc khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) đồng tình với việc tăng thời giờ làm thêm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 30-4 đến nay, chỉ có 1 tháng chị Thảo được đi làm đầy đủ, còn lại phải tạm nghỉ việc, được hưởng 70% lương. Nếu đi làm đầy đủ, không tăng ca, thu nhập của chị Thảo được khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Cùng quan điểm về vấn đề trên, một lao động khác tại đây là anh Trần Văn Thanh chia sẻ: “Khi phục hồi sản xuất, tôi muốn được làm thêm để có thêm thu nhập. Nếu đi làm bình thường, không làm thêm, thu nhập của tôi chỉ được hơn 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, không đảm bảo trang trải cho cuộc sống gia đình. Nếu làm thêm khoảng 40 giờ/tháng, thì tôi có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng”.

Giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, việc khống chế giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, khiến doanh nghiệp khá bị động. Thời gian trước ảnh hưởng của dịch khiến việc sản xuất kinh doanh bị trì hoãn, cho nên việc không áp dụng giờ làm thêm theo tháng, tăng giới hạn làm thêm tối đa với tất cả các ngành nghề sẽ hỗ trợ được yêu cầu của đặc điểm sản xuất hiện nay. Về nguyên tắc, từ xưa đến nay, người ta chỉ đấu tranh cho mục tiêu tăng lương giảm giờ làm, chứ không phải tìm mọi cách tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì cần những giải pháp “cấp cứu”.

Ủng hộ việc tăng giờ làm thêm, tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là người sử dụng lao động phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, giúp họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Nói rõ hơn về quan điểm của mình, ông Lê Đình Quảng cho biết thêm, giới hạn số giờ làm thêm trong một tháng là một vấn đề trước đây được Quốc hội thảo luận rất kỹ trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2019. Đây là một chính sách để hạn chế tác động tiêu cực của làm thêm giờ đối với người lao động.

Hiện nay, trong điều kiện ảnh hưởng của Covid-19, việc nới lỏng “trần” làm thêm giúp doanh nghiệp linh hoạt, đáp ứng trong điều kiện mới. Khi kéo dài thời gian làm việc, dù trong hoàn cảnh nào, sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, khi doanh nghiệp tổ chức làm thêm ngày Chủ nhật thì phải bố trí cho người lao động nghỉ bù vào ngày thường để đảm bảo trong 1 tháng có ít nhất 2 ngày nghỉ tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác phòng tránh bệnh nghề nghiệp, xây dựng môi trường làm việc an toàn. Dù có nguồn thu nhập tăng thêm nhưng nếu sức khỏe bị ảnh hưởng hoặc mắc bệnh nghề nghiệp thì thu nhập đó cũng không có ý nghĩa.

Vấn đề quan trọng nhất trong thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện. Trong mọi trường hợp, người lao động phải được đối xử công bằng, bình đẳng, không vì lý do không muốn làm thêm giờ mà bị gây khó khăn, o ép hay thậm chí tìm cớ để sa thải. Điều này đặt ra yêu cầu cần có quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm minh, trong đó chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với chủ sử dụng lao động, bảo đảm việc làm thêm giờ là hoàn toàn tự nguyện giữa hai bên và không vượt quá thời gian theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, từ xưa đến nay, người ta chỉ đấu tranh cho mục tiêu tăng lương giảm giờ làm, chứ không phải tìm mọi cách tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất thì cần những giải pháp “cấp cứu”.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Vấn đề quan trọng nhất trong thỏa thuận giờ làm thêm giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là phải trên tinh thần tự nguyện. Trong mọi trường hợp, người lao động phải được đối xử công bằng, bình đẳng, không vì lý do không muốn làm thêm giờ mà bị gây khó khăn, o ép hay thậm chí tìm cớ để sa thải. Điều này đặt ra yêu cầu cần có quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm minh, trong đó chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng thời ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với chủ sử dụng lao động, bảo đảm việc làm thêm giờ là hoàn toàn tự nguyện giữa hai bên và không vượt quá thời gian theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam