Gieo chữ trên núi đá

(ANTĐ) - Giữa lúc ngành giáo dục đang tuyên chiến với bệnh thành tích, với những tiêu cực trầm kha; giữa lúc quốc nạn học thêm dạy thêm triền miên, “chạy” trường chuyên lớp chọn nhọc lòng tốn của; giữa lúc một đứa bé thi vào lớp 1 thì bố mẹ, ông bà cũng thi, cả nhà thi... cháu mới đỗ, thì ở vùng núi cao vẫn có những thầy cô giáo lặng lẽ chịu đủ mọi gian khổ, thiệt thòi, thậm chí cô đơn gắn cả cuộc đời mình với học trò người dân tộc thiểu số.

Gieo chữ trên núi đá

(ANTĐ) - Giữa lúc ngành giáo dục đang tuyên chiến với bệnh thành tích, với những tiêu cực trầm kha; giữa lúc quốc nạn học thêm dạy thêm triền miên, “chạy” trường chuyên lớp chọn nhọc lòng tốn của; giữa lúc một đứa bé thi vào lớp 1 thì bố mẹ, ông bà cũng thi, cả nhà thi... cháu mới đỗ, thì ở vùng núi cao vẫn có những thầy cô giáo lặng lẽ chịu đủ mọi gian khổ, thiệt thòi, thậm chí cô đơn gắn cả cuộc đời mình với học trò người dân tộc thiểu số.

Cầu Hai Cô - cái chết thành huyền thoại

Cuối cùng tôi cũng đến bản Pèng - Tả Phời. Lần trước, lên được Lào Cai thì mưa lũ, người ta nói: Tả Phời có lũ to, chết người. Mưa trắng rừng, sông suối réo ùng ục, đục ngầu. Núi lở. Sạt đường. Giao thông bị chia cắt nhiều đoạn...

Lại nghe kể: Hai cô giáo, người dưới xuôi lên dạy học, tan lớp về đến cầu Cóc thì lũ ống bất ngờ ập đến. Cầu bị trôi, cuốn luôn hai cô giáo đi mất, không tìm thấy xác... Nghe rợn cả người, ai cũng gàn, không cho tôi đi... Sau này, lại nghe kể: Hai ngày sau vớt được xác các cô. Thật lạ kỳ! Thân thể vẫn tươi nguyên y hệt người đang sống, mắt nhắm hờ như thiên thần chưa tỉnh giấc.

Mấy đứa học trò người Dao xuống núi, đến lớp vắng cô, ngẩn ngơ lòng nhớ nhung, cắp cặp sách đi lang thang. Thấy đám đông xúm đen xúm đỏ, chúng rẽ vào, ngơ ngác nhìn ngỡ cô giáo mình đang ngủ. Đứa con trai lay gọi: “Cô ơi! Cô quên đường về trường à?”. Đứa con gái nói: “Cô đừng ngủ nữa, cái bàn cái ghế đang nhớ cô”.

Cõng chữ lên non
Cõng chữ lên non

Nhìn thương quá, ai cũng ứa nước mắt, sụt sịt. Hai nữ giáo viên ấy là cô Thấm, cô Vân. Về sau, cầu Cóc mang tên mới: Cầu Hai Cô, thương giáo viên cắm bản, mang chữ đến làm sáng cái đầu con em mình, không may bị chết thảm, nên người Tả Phời đặt tên cho cầu. Vậy là cái chết đã thành huyền thoại, đã thuộc về dân gian rồi.

Tôi chợt nghĩ đến đứa cháu gái ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đêm ngủ giường nệm ga gối Hàn Quốc, ngày sức nước hoa Pháp, mặc áo dài trắng, cưỡi xe máy @ đi dạy học, đứng lớp giữa nội thành mà thương hai cô giáo trẻ ấy. Lòng day dứt, muốn kể cho cháu gái câu chuyện đó, rồi bảo: Giá cháu đi cùng chú một chuyến lên Tả Phời, chắc chắn khi về, cháu giảng bài trên lớp sẽ rung động, truyền cảm hơn?

Nghỉ học - chuyện thường ngày ở lớp

Ngạc nhiên tiếp nối bất ngờ. Dù cái đầu tưởng tượng bay bổng đến đâu, tôi cũng không hình dung ra gần hết học trò lớp 6 và 8 ở Tả Phời đã lấy vợ có con. Thầy giáo Mai Công Hùng chỉ: cậu Chảo Láo San đội mũ nồi đen, đang đánh cù kia là người Dao đỏ có vợ và hai con; còn hai cậu Chảo Ông Pết và Chảo San Châu đứng nghịch vòi nước chảy, đều lấy vợ rồi và có một nhóc.

Học trò nhưng đều là lao động chính trong nhà, sáng cầm vội củ khoai nướng vừa đi học vừa ăn, có hôm nhịn. Vậy mà, cũng học sinh lớp 8, thằng con tôi sáng nào mẹ cũng gọi như gọi đò sông cái mới thức dậy, ngái ngủ, giọng khê nồng, oặn ẹo. Bố quát, mẹ nịnh đủ trò, nhưng bát cháo gà nóng hổi cũng chỉ vơi đi một góc nhỏ. Mẹ thương, nhét vào cặp một đoạn xúc xích phòng khi đang học đói quá giảm huyết áp thì nó lại thờ ơ, hững hờ. Nghĩ, cậu ấm nhà mình mà lạc vào cái xứ sở này, chẳng biết có sống nổi không?

Bản Pèng, độ cao gần hai ngàn mét so với mặt nước biển, mây mù quanh năm. Trường lớp lúc nào cũng thiếu giáo viên. Học trò phần lớn đã lấy vợ, là người chủ gia đình nên thường bỏ học đi rừng, bỏ học đi ăn cỗ cưới, ma chay, rồi con ốm phải đi mời thầy cúng cũng nghỉ học...

Nhọc nhằn con chữ vùng cao
Nhọc nhằn con chữ vùng cao

Chúng tôi đang nói chuyện, Chảo Láo San đến. Chảo còn nhiều tuổi hơn thầy giáo Hùng, Chảo lật mũ nồi đen lau mồ hôi, mặt đỏ gay, rụt dè: “Con ngựa đực nhà Chảo bỏ tàu theo bạn tình trên bản Phìn Hồ ba ngày chưa về. Vợ Chảo xót của đang đứng dưới dốc kia khóc chờ Chảo đi tìm.

Thầy giáo có cho Chảo nghỉ học sớm đi tìm ngựa không?”. Thầy giáo Hùng gật đầu bảo: “Cho Chảo nghỉ tiết Văn sáng nay thôi, sáng mai Chảo đi học sớm nhé”. Khi Chảo quay gót, thầy Hùng nói với tôi: “Chuyện thường ngày ở bản, anh ạ. Các em đi học, nhưng lại như là cột cái trong nhà, việc lớn nhỏ đều đến tay. Bọn em phải kèm cặp, dạy bù vào lúc khác cho đủ tiết học theo quy định”. Đúng là chỉ có giáo dục ở vùng cao mới khó khăn và đặc thù riêng như thế!

Lại nói về bản Pèng ở Tả Phời, ông Trưởng bản Lý Láo San, người Dao, cứ một tuần lại ra lớp học một lần. Ông bảo: “Các thầy cứ biên tên con cái nhà ai nghỉ học, hôm nào họp bản, tôi phê bình cho, tôi khuyên bảo cho”. Chờ họp bản lâu lắm.

Sáng nay, thằng bé Lý Ông Yết bỏ học rồi, ông trưởng bản gọi giúp chúng tôi được không?. “Gọi thì gọi, nhưng các thầy cô giáo phải cùng đi nhá”. Lý Ông Yết đi ở, chăn trâu thuê. Biết nó và con trâu sứt mũi ở cánh rừng nào bây giờ? Nhưng vẫn phải xuống bản, gặp mẹ nó, gặp nhà chủ có con trâu đen sứt mũi mà thuyết phục, dàn xếp cho Yết đi học.

Con bé Chảo Mẩy Chẳn, bản Thoong Vé đi học bữa đực bữa cái, cô giáo năm lần bảy lượt đến gia đình thuyết phục, bà mẹ người Dao đỏ mới bớt việc chăn dê cho nó đi học đều. Nếu vô tình tắc trách, đủ học trò mới dạy, chẳng có lại nghỉ, thì có ngày trường lớp chỉ có thầy với... bàn ghế trống không. Chẳng ai muốn thế, nên giáo viên Tả Phời chắc chắn còn lâu mới có lần cuối cùng đi tìm học trò bỏ lớp.

Sương Nguyệt Minh

(Còn nữa)