Giật mình vỡ tín dụng đen

ANTĐ - Liên tục trong vòng 1 tháng, địa bàn Hà Nội xảy ra 3 vụ vỡ nợ “tín dụng đen” với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các “con nợ” sẽ bị cơ quan chức năng xử lý thế nào? “Chủ nợ” có cơ hội lấy lại được số tiền đã cho vay? Và “bài học” gì cần rút ra sau những vụ việc này?

Những khối bất động sản của các “con nợ”

từng khiến nhiều “chủ nợ” đánh mất lý trí


“Nghệ thuật” huy động tiền

Con số hàng trăm tỷ đồng (theo hồ sơ, tài liệu mà cơ quan chức năng thu thập được), thậm chí lên đến cả nghìn tỷ đồng (như dư luận đồn thổi), đối với những “đại gia” hay các đường dây tín dụng đen ở nội thành có thể chưa thấm vào đâu. Nhưng với những huyện nghèo như Phú Xuyên, Đan Phượng, đó là số tiền cực lớn. Nó là cả gia tài, thậm chí, cả việc chấp nhận phải đi vay tiền, thế chấp tài sản, của các chủ nợ vốn đa phần là… nông dân. Điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội nhìn nhận: sự tham gia các kênh huy động tín dụng đen của người dân, có đến 85% là hám lợi.

 Vợ chồng Hùng-Cúc, trú ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên; Nguyễn Thị Dậu, trú ở phường Quang Trung, quận Hà Đông; chủ hiệu vàng Quang-Quyên, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, là 3 cái tên đang gây “sốt” dư luận những ngày này. Nhiều năm trước khi trở thành “tâm điểm” của dư luận, xuất phát điểm của những “con nợ lớn” này chỉ là hai bàn tay trắng. Ngoại trừ vợ chồng Quang-Quyên thành lập công ty, hai trường hợp còn lại đều không có nghề ngỗng gì.

Vậy “nghệ thuật” huy động tiền của các “con nợ” này ra sao? Bắt đầu từ những lời rủ rỉ với số người quen bạn bè, bằng đề nghị vay vốn để đầu tư bất động sản, buôn vàng… và cam kết trả lãi suất cao, thời gian thanh toán ngắn hạn, đúng hẹn. Và những giao dịch đầu tiên đã được các “con nợ” thực hiện nghiêm túc. Đặc thù địa bàn ngoại thành với yếu tố làng xã, thông tin đồn thổi nhanh đã khiến số lượng “chủ nợ” ngày một đông tham gia các kênh huy động vốn. Từ việc nhận tiền vay trực tiếp, các “con nợ” này đã hình thành những “vệ tinh” đi gom tiền trong khu dân cư, ở xã, ở huyện. Không nhiều “chủ nợ” biết việc sử dụng tiền của các “con nợ” ra sao. Nhưng họ có “niềm tin” khi thấy “con nợ” đều thuộc dạng ăn chơi sành điệu, tiêu tiền không tiếc tay. Nhiều người được thanh toán tiền lãi, song thực chất, đó chỉ là thủ thuật lấy tiền vay của người này trả lãi cho người khác. Khi số nợ lên quá cao, “con nợ” không thể xoay được tiền để trả lãi, các “chủ nợ” nhận ra thì đã quá muộn.

Sự tỉnh táo của dư luận

“Dư luận, kể cả một số tờ báo, đã nắm bắt và thông tin có phần thái quá về các vụ vợ nỡ, khiến tình hình ANTT ở địa phương thêm phức tạp”, chỉ huy CAH Phú Xuyên đánh giá. Tối 8-10, CAH Phú Xuyên nắm bắt được thông tin về vụ vỡ nợ liên quan đến gia đình “con nợ” Nguyễn Thị Cúc và Nguyễn Xuân Hùng. Khi ấy, dư luận “thổi” số tiền mà Cúc đã vay của các tổ chức, cá nhân lên đến 500 tỷ đồng. Một ngày sau đó, con số này đã… tăng lên gấp đôi, với tên gọi “vụ vỡ nợ nghìn tỷ đồng ở Phú Xuyên”. Trong khi thực tế, đến hết ngày 9-10, CAH Phú Xuyên mới chỉ tiếp nhận được đơn trình báo của 3 bị hại với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Qua công tác nắm dư luận, CAH Phú Xuyên biết được có gần 10 trường hợp khác đã cho Cúc vay tiền nhưng không trình báo cơ quan chức năng, với tổng số tiền khoảng 200 tỷ đồng. “Chúng tôi không hiểu dư luận lấy thông tin ở đâu để có con số nghìn tỷ đồng. Bởi nếu có, người dân sẽ phải đến trình báo cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như tố giác hành vi của “con nợ”, chỉ huy CAH Phú Xuyên cho biết.

Tương tự trường hợp Nguyễn Thị Cúc là vợ chồng chủ hiệu vàng-doanh nghiệp Quang, Quyên. Số tiền ban đầu mà dư luận “thổi” cũng lên đến 500 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, CQĐT “chốt” lại danh sách bị hại và các khoản tiền mà vợ chồng Quang-Quyên vay chỉ dao động ở con số 200 tỷ đồng, trên cơ sở tài liệu, đơn trình báo thu thập được. Khi xảy ra các vụ vỡ nợ nêu trên, quá trình đến trực tiếp những địa bàn mà 3 “con nợ” cư trú, tiếp xúc với nhiều người dân và đặt câu hỏi về căn cứ thông tin số tiền vay của “con nợ”, đa phần đều thừa nhận là chỉ nghe nói vậy (?!). Cần nhìn nhận rõ bản chất của sự việc là số tiền thực vay và số tiền lãi mà “con nợ” chưa trả. Nó đúng như quy luật vay trả khắc nghiệt: có thể hưởng lãi suất cao nhưng cũng có thể mất trắng.

Rút ra bài học gì?

 Các “con nợ”, thậm chí cả “chủ nợ” có nguy cơ sẽ phải đối diện với 3 tội danh: hoặc là tội cho vay nặng lãi, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc  tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên để xử lý được theo các tội danh này, CQĐT phải có đủ căn cứ tài liệu chứng minh ý thức và hành vi phạm tội của các đối tượng.

Rất có thể, sau Phú Xuyên, Đan Phượng, Hà Đông, trong bối cảnh mà cơ quan quản lý nhà nước siết chặt các khoản tín dụng như hiện nay, cùng với sự im ắng của thị trường bất động sản… sẽ tiếp diễn những vụ vỡ nợ khác ở những địa bàn khác. Điều này khó tránh khỏi, bởi đã và đang tồn tại những lỗ hổng lớn trong công tác nắm tình hình ở nhiều quận, huyện, phường, xã.

Việc các “con nợ” huy động vốn, thiết lập đường dây tín dụng đen không phải trong ngày một, ngày hai. Nó diễn ra nhiều tháng, nhiều năm, nhưng chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng đã không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Thậm chí có địa bàn, chỉ đến khi các “chủ nợ” kéo đến nhà “con nợ”, mới biết có đường dây huy động vốn theo kiểu tín dụng đen. Bài học lớn cần rút ra chính là công tác nắm tình hình, xử lý triệt để và có đối sách cần thiết với các đường dây huy động vốn, vay-cho vay lãi suất cao. Không còn sớm để thực hiện điều này, nhưng nó sẽ là tốt hơn, nếu “lỗ hổng” được bịt sớm.