Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII:
Giảm thuế suất chung
(ANTĐ) - Hôm qua (7-5), Quốc hội đã thảo luận về 3 Dự án 3 luật: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi; Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí.
Giảm thuế không ảnh hưởng đến thu ngân sách
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, đối với Luật Thuế TNDN, một số điểm mới đáng chú ý đó là, mức thuế suất chung được hạ xuống còn 25% so với mức 28% hiện hành đi kèm với một số chính sách ưu đãi về thuế khác.
“Việc điều chỉnh giảm thuế, ưu đãi thuế sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, bù lại, những thay đổi về ưu đãi thuế sẽ làm tăng thu khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, xét về tổng thể thì việc sửa đổi Luật không làm ảnh hưởng lớn đến số thu NSNN trong những năm trước mắt” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.
Điểm đáng chú ý trong Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này là, đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ được thu hẹp lại với 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thay vì 28 nhóm như hiện nay.
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến trong ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất cho rằng, nhiều nội dung quy định trong Dự thảo Luật chưa cụ thể, như về thuế suất; thời hạn, đối tượng hưởng ưu đãi thuế; điều kiện được trừ các khoản chi phí...
Với Dự thảo Luật Thuế TNDN, một số ý kiến cho rằng, đối với chi phí quảng cáo, việc ấn định một mức cụ thể thể hiện sự can thiệp sâu của Nhà nước và đề nghị không hạn chế chi cho quảng cáo, tiếp thị hoặc phải áp dụng mức tối thiểu là 20% trên chi phí, không phân biệt quy mô doanh nghiệp.
Đối với quy định của Dự thảo Luật GTGT, việc quy định thuế suất 5% với hàng hóa, dịch vụ là yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm thu nhập của nông dân, nhất là trong điều kiện đời sống của đại bộ phận nông dân đang gặp khó khăn.
Mặt khác, không cho khấu trừ thuế đầu vào đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh của nông phẩm, gây khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát, nhất là trong điều kiện giá nông phẩm giữ quyền số lớn trong việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng hiện nay.
Dự luật Thuế GTGT sửa đổi thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (Trong ảnh: Nộp thuế tại Chi cục Thuế Thanh Xuân) |
Đánh thuế lũy tiến
Chiều 7-5, các đoàn ĐBQH đã có buổi thảo luận ở tổ về các Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi và Dự án Luật Thuế GTGT sửa đổi.
Về Dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng: Quy định như dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, những hội hoạt động có tính chất từ thiện, xã hội không nên đưa vào đối tượng nộp thuế. Luật cũng nên phân biệt giữa tổ chức kinh doanh và hoạt động từ thiện xã hội. Ngoài ra, các tổ chức có lợi nhuận không chia, khi có lãi suất phát sinh (trừ lãi ngân hàng) thì phải chịu thuế.
ĐB Phạm Thị Loan cũng đề nghị Luật nên đưa các đối tượng có thu nhập không chia vào đối tượng nộp thuế để đảm bảo công bằng.
Các ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Phạm Thị Loan đều cùng chung ý kiến hoạt động đầu tư bất động sản cũng phải nộp thuế. Hiện nay, lãi suất kinh doanh bất động sản thấp, đề nghị cho hạch toán chung vào hoạt động của doanh nghiệp chịu thuế.
Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp cân đối thu chi. Vẫn trong lĩnh vực này, ĐB Phạm Thị Loan đề xuất đánh thuế lũy tiến để cân bằng sự cách biệt giàu nghèo, không nên tách bạch ra, coi đó là thu nhập chung của doanh nghiệp.
Về phương pháp xác định các khoản chi được trừ và các khoản chi không được trừ, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nêu ý kiến: “Các chi phí được trừ cần quy định rõ hơn. Nếu như dự thảo, các doanh nghiệp có thể hạch toán không đúng, hạch toán tùy tiện”. Đối với các khoản chi không được trừ, chi phí quảng cáo đề nghị áp dụng 15% trong 5 năm kể từ khi thành lập.
Về các khoản chi không được trừ, có ý kiến của ĐBQH cho rằng khoản đầu tư cho giáo dục không được trừ là chưa phù hợp. Nên đưa mục này vào mục viện trợ nhân đạo, đóng góp xã hội.
Phải siết chặt hậu kiểm
Trong phiên thảo luận chiều qua 7-5, các ĐBQH Đoàn Hà Nội đã nêu những ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. ĐB Nguyễn Thị Hoa đề nghị Luật quy định về nhóm sản phẩm nông nghiệp nên đưa vào diện đối tượng chịu thuế 0%.
Liên quan đến vấn đề hậu kiểm trong lĩnh vực Thuế giá trị gia tăng, ĐB Phạm Thị Loan cho rằng từ việc bán hóa đơn đến việc cho ra đời một doanh nghiệp ở Việt Nam còn quá dễ dàng. “Đề nghị Chính phủ xem xét việc hậu kiểm, kiểm soát của ngành thuế như thế nào, để không xảy ra trốn thuế và tồn tại những doanh nghiệp “ma” làm thất thu thuế...” - đại biểu Phạm Thị Loan nói.
Nhóm phóng viên Thời sự