Giảm hẳn trộm cắp, “cò mồi” tại bệnh viện

ANTĐ - Không còn cảnh những quán cóc nhếch nhác, hàng rong chèo kéo mời chào, và cơ bản là cò mồi, móc túi mất hẳn, là thực trạng sau 1 tháng lực lượng Công an Hà Nội triển khai các chốt Cảnh sát bảo vệ (CSBV) tại 9 bệnh viện vốn được coi là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự...

Giảm hẳn trộm cắp, “cò mồi” tại bệnh viện  ảnh 1
Phòng khám cấp cứu ngoại, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tối 25-8
Ảnh: NGỌC TUẤN


Nhiều năm nay, các bệnh viện lớn của Hà Nội luôn là địa bàn màu mỡ cho các đối tượng lưu manh kiếm sống. Lợi dụng sự nhốn nháo, đông đúc với hàng nghìn lượt người ra vào mỗi ngày, cộng với sự bỡ ngỡ của nhiều người bệnh từ các tỉnh tìm về thăm khám nên các đối tượng phạm tội thường trà trộn để hoạt động trộm cắp, móc túi, lừa đảo… hay bán các loại thuốc với giá cắt cổ. Mặc dù bản thân các bệnh viện cũng đã tự đứng ra tổ chức lực lượng bảo vệ chủ động ngăn chặn tiêu cực và hỗ trợ bệnh nhân, nhưng do yếu và thiếu chế tài xử lý nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, khi xảy ra những vấn đề đột xuất cần sự xử lý kiên quyết và chủ động tấn công các đối tượng phạm tội thì lực lượng này phản ứng còn chậm. Đơn cử như vụ việc các y bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai bị chính người nhà bệnh nhân tấn công gây náo loạn bệnh viện xảy ra ngày 25-7 trong đó có 1 nữ điều dưỡng viên đang mang thai 7 tháng bị hành hung khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Để khắc phục thực trạng trên ngay từ cuối tháng 7, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập các chốt trực tại 9 bệnh viện nhằm ngăn chặn và chấm dứt hoàn toàn hoạt động của tội phạm. Dưới trời nắng gắt nhưng chốt trực tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn vang lên tiếng loa điều tiết giao thông trật tự. Dưới chiếc ô nhỏ nằm trên đường Triệu Quốc Đạt là một chốt “liên hợp” của các chiến sỹ CSBV và CAP Trần Hưng Đạo. Trung úy Lê Văn Long, CAP Trần Hưng Đạo cho biết: “Khu vực trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương trước đây vốn dày đặc các hàng rong, quán cóc. Đây cũng là nơi các đối tượng trộm cắp thường tụ tập để tăm tia con mồi. Chính vì thế lâu nay, Công an phường đã chủ động thành lập một tổ công tác thường xuyên chốt tại đây để giải tỏa, ngăn chặn các đối tượng “cò mồi”, lưu manh và điều tiết giao thông, tuy nhiên vì lực lượng mỏng chỉ có 1 cảnh sát và 2 dân phòng phối hợp nên khá vất vả. Từ khi được bổ sung thêm một chốt của CSBV thì vấn đề trật tự ở đây được cải thiện hẳn. Những đối tượng lưu manh thấy hết đất làm ăn cũng tự động bỏ đi, cổng bệnh viện đã trở nên thông thoáng, người dân yên tâm hơn và không còn cảnh chèo kéo, lừa đảo hay móc túi như trước”. 

Trung sỹ Đăng Đắc Phúc, chiến sỹ Phòng CSBV cho biết thêm: “Tổ công tác của Phòng CSBV gồm 3 người có nhiệm vụ đảm bảo ANTT bên trong bệnh viện từ 7h sáng đến 22h30. Ngoài 2 chiến sỹ thường xuyên túc trực phối hợp với lực lượng bảo vệ còn có 1 chiến sỹ mặc thường phục thường xuyên đảo khắp các khoa phòng nhằm phát hiện sớm các đối tượng lạ mặt có hành vi khả nghi. Khi phát hiện bất cứ hành vi nào gây ảnh hưởng đến bệnh nhân và an ninh trật tự của bệnh viện, chiến sĩ này sẽ lập tức can thiệp ngăn chặn. Trước đây, để qua mặt lực lượng bảo vệ, một số đối tượng bán hàng rong thường không ngồi một chỗ mà chủ động xách túi mang theo chè, nước, thuốc lá bánh kẹo… vào tận các khoa phòng bán cho người bệnh đồng thời gạ gẫm những người ngoại tỉnh để lừa đảo, trộm cắp. Nhưng kể từ khi có CSBV triển khai ở đây, hoạt động của các đối tượng này đã chấm dứt hoàn toàn”.

Tại Bệnh viện Việt-Đức, mặc dù lực lượng bảo vệ tại chỗ lên tới hàng chục người nhưng nạn “cò mồi” từ nhiều năm nay vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Ông Hoàng Trung Đông, Đội trưởng đội bảo vệ Bệnh viện Việt-Đức nói: “Từ ngày có thêm chốt CSBV đặt tại bệnh viện, tình hình ANTT được cải thiện rất nhiều. Mặc dù, anh em bảo vệ của chúng tôi cũng hoạt động rất tích cực, nhưng dù sao thì đây vẫn là lực lượng bán chuyên nghiệp, hơn nữa bảo vệ không có chế tài để xử lý nên một số đối tượng cộm cán vẫn “nhờn thuốc”. Có màu áo của công an xuất hiện, trộm cắp, “cò mồi” không dám ngang nhiên như trước. Không phải chúng tôi thấy thế mà ỷ lại, nhưng thú thực có bóng dáng anh em công an giúp sức, lực lượng bảo vệ của bệnh viện cũng yên tâm. Các y bác sỹ cũng không còn cảm thấy bất an nếu gặp phải tình huống bị người nhà bệnh nhân gây rối”.

Chị Trần Thanh Mai - cán bộ Công ty Bất động sản dầu khí: “Các y bác sỹ, nhân viên y tế hàng ngày phải đối mặt với tình trạng quá tải ở bệnh viện đã là áp lực quá lớn. Do đó, sự phối hợp giữa các bệnh viện với chính quyền, công an nhằm đảm bảo ANTT trong các bệnh viện là điều thực sự cần thiết”. 

Ông Nguyễn Đình Hùng - cán bộ hưu trí phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội: “Sự bất ổn về an ninh, trật tự trong các bệnh viện có thể còn do một số nhân viên y tế câu kết với “cò mồi” để lôi kéo bệnh nhân hoặc do bác sĩ thiếu trách nhiệm dẫn tới những sơ suất đáng tiếc. Do vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh trật tự trong các bệnh viện, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng CATP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cần yêu cầu Giám đốc các bệnh viện có hình thức xử lý nghiêm những nhân viên y tế móc nối với “cò” bệnh viện, đồng thời có phương án cải tiến quy trình khám bệnh. Có như vậy, người dân khi đến khám chữa bệnh mới không còn bức xúc, căng thẳng như trước…”.

Bác sỹ Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: “Từ khi lực lượng công an triển khai chốt trực, đã có sự thay đổi rõ nét như hàng quán ở cổng bệnh viện đã được giải quyết gần như hoàn toàn, cổng bệnh viện thoáng đãng hơn. Bác sỹ, y tá, công nhân viên bệnh viện làm việc hàng ngày cảm thấy yên tâm.Trước kia, thỉnh thoảng có việc người dân khi đến khám, chữa bệnh bị móc túi, từ ngày có lực lượng công an không còn hiện tượng này. Ngoài việc triển khai chốt bảo vệ ở phòng khám, lực lượng công an còn phối hợp với bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng xe ra vào. Đó là những chuyển biến tích cực, bệnh viện ghi nhận và cũng mong muốn duy trì hình thức phối hợp này”.

Bác sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Trí - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Sự phối hợp giữa lực lượng Công an Hà Nội với các bệnh viện trong công tác bảo vệ ANTT là một sáng kiến vô cùng hiệu quả của Giám đốc CATP Hà Nội, tạo bước tiến vượt bậc trong công tác bảo vệ ANTT trong và ngoài các bệnh viện. Nếu như trước đây tại các bệnh viện, chỉ khi xảy ra các vụ việc gây mất ANTT, lực lượng công an mới xuất hiện để tham gia giải quyết, thì 1 tháng qua, hầu như ngày nào họ cũng sát cánh với lực lượng bảo vệ tại bệnh viện gần như 24/24h. Sự xuất hiện của các chiến sỹ công an đã làm cho bệnh nhân và người nhà của họ thêm an tâm khi đến khám chữa bệnh. Trong thời gian tới, lãnh đạo Bệnh viện phụ sản Hà Nội mong muốn được tiếp tục phối hợp lâu dài với lực lượng Công an Hà Nội để duy trì ANTT tại bệnh viện”.

Ông Nguyễn Mạnh Đức trú tại Việt Trì, Phú Thọ người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai: “Tôi thấy lực lượng công an hoạt động liên tục từ sáng sớm. Cổng bệnh viện quang đãng, không còn cảnh nhộn nhạo. Xe cứu thương và người nhà bệnh nhân ra vào dễ dàng. Chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều. Ở đâu cũng thế này thì tốt quá”.