Giám đốc Tramooc: Cho buýt thường, xe khách đi vào làn BRT chỉ là giải pháp tạm thời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramooc) cho rằng, trong giai đoạn này, với bối cảnh hoạt động của BRT hiện nay, thì việc tổ chức cho xe buýt thường và xe khách đi vào làn BRT là phù hợp. Và chúng ta cũng có thể cho tổ chức thí điểm để xem xét đánh giá.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (tác giả của đề xuất cho xe buýt thường, xe khách khối lượng lớn đi vào làn BRT) lý giải, tính đến nay, tuyến buýt nhanh BRT 01 đã đi vào hoạt động được 6 năm.

Trong quá trình hoạt động, có rất nhiều ý kiến liên quan đến tổ chức giao thông cho BRT. Dù ngay từ đầu dự án, chúng ta đã có phương án tổ chức giao thông cho BRT 01 nhưng đến nay, có thể nói tuyến buýt nhanh duy nhất này vẫn chưa hoạt động đúng phương án đã được thiết kế ban đầu, chưa đảm bảo tốc độ vận hành, chưa đảm bảo tần suất thiết kế.

Bên cạnh đó, BRT đang phải đối mặt với vấn đề do không tổ chức dải phân cách cứng nên các phương tiện khác, chủ yếu là xe cá nhân như ô tô, xe máy lấn làn BRT, làm cho BRT giảm tốc độ lưu hành. Chừng nào BRT hoạt động chưa đúng thiết kế thì chưa thể hiện rõ tính hấp dẫn và ưu việt của loại hình vận tải này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội

Vừa qua, TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho Viện Kinh tế - Xã hội khảo sát tương đối tổng thể về hoạt động của BRT và Viện cũng có đề xuất ý kiến là tiếp tục tăng cường tổ chức giao thông để tạo thuận lợi cho BRT. Trước mắt, Viện đề xuất, vào thời điểm ngoài giờ BRT hoạt động (từ 22h đến 5h) cho các phương tiện khác chạy vào làn BRT để tránh lãng phí. Tramooc cho rằng đề xuất này cũng hợp lý.

Tiếp đó, Sở GTVT cũng đã báo cáo thành phố xin ý kiến tổ chức giao thông theo hướng mở rộng một phần, căn cứ vào tần suất buýt nhanh BRT hiện nay chưa bao phủ hết các khung giờ nên các xe khác đã xâm phạm vào làn riêng.

Trước tình hình đó, Sở GTVT cho rằng có thể tách một số đối tượng ra khỏi làn giao thông chung và cho phép tham gia làn BRT để tránh lãng phí, trong đó, xe vận tải khối lượng lớn được cân nhắc đến vì hiệu quả cao.

-Ý ông vừa trao đổi như vậy có nghĩa là hiện nay, dù mật độ phương tiện giao thông tham gia trên tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu rất lớn và hay xảy ra ùn tắc nhưng do chưa vận hành hết tần suất xe BRT nên tận dụng?

-Nền tảng của đề xuất đó có hai vấn đề. Một là chúng ta tận dụng tối ưu nhất khung giờ còn trống và khoảng không gian còn trống ngoài thời gian hoạt động của BRT.

Thứ hai, xu thế áp lực giao thông của làn bên cạnh BRT ngày càng tăng làm cho các phương tiện có xu thế lấn vào làn BRT. Do vậy, chúng ta lựa chọn một số phương tiện tách ra khỏi làn hỗn hợp để đem lại hiệu quả cao nhất trong vận chuyển.

Tuyến BRT 01 trên địa bàn TP Hà Nội là tuyến buýt nhanh đầu tiên trên cả nước

Tuyến BRT 01 trên địa bàn TP Hà Nội là tuyến buýt nhanh đầu tiên trên cả nước

- Nhiều ý kiến nhận xét hiệu quả của BRT hiện nay không được như mong muốn. Nếu như giờ lại đề xuất cho các phương tiện khác được đi vào làn BRT, vậy có phải dự án BRT không phát huy hiệu quả, thậm chí có thể nói là lãng phí không?

-Chúng tôi nhìn nhận ở khía cạnh khác. Việc đưa những đối tượng này vào làn BRT là việc tổ chức giao thông ở một giai đoạn, tức là giai đoạn phù hợp với điều kiện vận hành BRT hiện nay. Câu chuyện tổ chức giao thông không mang tính cứng nhắc, lâu dài. Khi BRT hoạt động đúng công suất, tính hấp dẫn tăng lên, khách đi lại đông hơn thì chúng ta sẽ tổ chức lại giao thông xe buýt.

Chúng tôi cho rằng ở đây không có lãng phí mà là tận dụng tối ưu khoảng trống của xe BRT trên làn đường riêng cho những thành phần cần được quan tâm.

Bởi cùng với BRT, hàng trăm phương tiện vận tải khối lớn, cả xe buýt thường cũng đã vận hành ì ạch trên trục đường, bao nhiêu người bị muộn giờ, lãng phí thời gian.

Mặc dù được bố trí làn ưu tiên riêng nhưng BRT thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn

Mặc dù được bố trí làn ưu tiên riêng nhưng BRT thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn

Khi nào BRT được tổ chức hoạt động thuận lợi hơn, tốc độ vận hành nhanh hơn, lưu thông qua các nút thông thoát hơn, người dân ưu tiên lựa chọn BRT để đi, lúc đó chúng ta sẽ tổ chức lại, làn BRT chỉ dành riêng cho buýt nhanh. Rõ ràng, việc luân chuyển đó được xem xét từng thời điểm và có sự điều chỉnh cho phù hợp.

- Như vậy, do có thực tế là các phương tiện đằng nào cũng lấn làn BRT nên mới đề xuất cho các loại xe đó đi vào?

-Đó là một cách để hạn chế việc lấn làn. Nếu chúng ta không làm cái này (cho xe khác đi vào BRT) thì BRT vẫn bị lấn làn, mà việc lấn làn không phải các xe lớn, mà là xe cá nhân và xe máy. Chúng ta tổ chức công khai, minh bạch - chỉ cho BRT và một số đối tượng khác đi vào thì không gian làn bên cạnh sẽ thông thoáng hơn, rủi ro về xâm phạm làn sẽ giảm đi, dần dần thành thói quen.

Quan trọng nhất chúng ta hình thành thói quen đi đúng làn, dần dần sẽ hình thành ý thức của người tham gia giao thông.

Chúng tôi khẳng định BRT đến thời điểm này đã phát huy được ưu thế của một loại hình mới. Nhiều báo cáo của Sở GTVT trước giai đoạn dịch Covid-19 đã khẳng định: BRT là một loại hình vận tải có sức hút tương đối tốt. Nó trở thành tuyến buýt có năng lực vận chuyển cao nhất trong toàn mạng; số người đi lại thường xuyên cao nhất trong toàn mạng (vé tháng).

Nhân viên văn phòng dọc tuyến nhiều người đã bỏ ô tô, xe máy chuyển sang BRT. Tốc độ lưu hành của BRT cao hơn xe buýt thường 30%. Nếu chúng ta tổ chức tốt, tin rằng lượng khách vẫn tiếp tục tăng lên và có điều kiện khẳng định vai trò của BRT.

Nói về hiệu quả của giao thông công cộng thì phải đánh giá một cách toàn diện. TP Hà Nội vẫn chi tiền trợ giá cho BRT, cho xe buýt là để làm gì? Hiệu quả mang lại là gì? Chính là để đưa hành khách từ phương tiện cá nhân sang phương tiện cộng cộng, để thay đổi thói quen đi lại, để định hướng lại ý thức đi lại của người dân.

Chúng ta có hệ thống giá vé rất rẻ, chưa bao giờ rẻ như thế để phục vụ người dân. Điều này góp phần tái lập trật tự đô thị, giảm được phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông, giảm ô nhiễm môi trường…