Đề xuất buýt thường, xe khách đi vào làn BRT: Bước lùi về mặt chính sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, đề xuất buýt thường, xe khách đi vào làn BRT là bước lùi về mặt chính sách, sẽ dẫn đến xoá bỏ BRT; đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.

Sau buýt thường, xe khách là đến xe con đi vào làn BRT?

Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất UBND TP Hà Nội thống nhất với Ngân hàng thế giới về việc cho phép xe buýt thường và xe chở khách từ 24 chỗ ngồi trở lên đi chung làn với buýt nhanh BRT. Dù vậy, nhiều chuyên gia giao thông đô thị không đồng tình với đề xuất này.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, phương án này là bước lùi về mặt chính sách, đi đến xoá bỏ BRT; đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.

Việc cho một số phương tiện đi vào làn BRT sẽ giải toả bớt một phần mặt đường dành cho xe thông thường. Nhưng sẽ mất đi ý nghĩa của buýt BRT, đó còn chưa kể, tuyến buýt BRT 01 duy nhất hiện nay của TP Hà Nội vẫn chưa tổ chức được đúng theo ý nghĩa của buýt nhanh chuyên chở khách khối lượng lớn.

Theo chuyên gia Phan Lê Bình, có thể cho phép xe cứu thương đi vào vì mang ý nghĩa đặc biệt liên quan đến tính mạng. Những xe khác như xe khách, xe buýt thường đi vào sẽ cản trở tốc độ của xe buýt nhanh. Đặc biệt, trong giờ cao điểm, ở một làn xe nhỏ, hàng chục chiếc xe buýt thường, xe chở khách đi vào làn BRT và một khi đã vào xe buýt nhanh dễ bị các xe khác chặn dòng, có thể dễ ùn tắc, khó tiếp cận nhà chờ, biến làn BRT thành “làn rồng rắn”.

Đề xuất cho buýt thường , xe khách đi vào làn BRT là bước lùi về mặt chính sách

Đề xuất cho buýt thường , xe khách đi vào làn BRT là bước lùi về mặt chính sách

“Biện pháp đưa ra là bước lùi và dần đi đến xoá bỏ BRT, đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng. Đây còn là bước lùi về mặt chính sách, không nên thực hiện. Một khi đã làm như vậy, các tuyến BRT tiếp theo sẽ không làm được nữa”, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nói.

Chuyên gia giao thông đô thị, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi: "Năm nay Hà Nội cho loại xe này vào, sang năm thấy đường ùn tắc cho tiếp xe cá nhân, như vậy buýt BRT còn tồn tại không?".

TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, về nguyên tắc, BRT đi nhanh phải có làn đường dành riêng, ở Hà Nội hiện đang tổ chức làn ưu tiên bởi chưa đáp ứng đủ 2 trong 4 tiêu chuẩn của BRT gồm: Có làn dành riêng, phải đảm bảo xe BRT đi liên tục trong thời gian 4,5km. Ví dụ khi đến đèn tín hiệu có thể chuyển sang làn xanh để xe buýt nhanh đi liên tục được. Còn hai tiêu chuẩn khác: Có chỗ cửa ra vào ngang bằng trạm đỗ xe, bố trí ở phía giữa để người lên xuống ở bên trái hiện Hà Nội đã làm được.

TS. Đức bày tỏ lo ngại khi cho một số phương tiện đi chung, song, các phương tiện này khi thấy BRT lại không nhường gây ùn tắc, khó tiếp cận nhà chờ đón khách.

Sẽ xóa sổ BRT nếu không có làn ưu tiên

Hơn nữa, theo các chuyên gia giao thông, hiện nay, Chính phủ cũng đang rốt ráo yêu cầu TP Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn xây dựng “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, trong đó phát triển vận tải công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trong khi, các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM còn đang dậm chân tại chỗ, mới duy nhất có 1 tuyến metro Cát Linh- Hà Đông vận hành, chưa đảm bảo kết nối nên chưa thể phát huy hết hiệu quả đầu tư cũng như hiệu ứng mong muốn. Vận tải khách công cộng trên địa bàn các đô thị lớn như Hà Nội tương lai trong 5-10 năm tới vẫn phải lấy xe buýt làm trọng tâm.

“Các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước phải xác định rõ, mục tiêu của đô thị là gì, ưu tiên vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân thì phải có chính sách cụ thể cho loại hình đó phát triển. Còn như hiện nay, các nhà quản lý giao thông dường như đang chạy theo "dân túy" thì rất khó để có những chính sách kịp thời, mang tầm nhìn chiến lược cho các đô thị lớn”- một chuyên gia giao thông bày tỏ.

Tại báo cáo phương án điều chỉnh, tổ chức giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép thêm một số phương tiện lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT 01. Cụ thể các phương tiện được đề xuất gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.

Về nguyên nhân điều chỉnh, theo Sở GTVT Hà Nội: Tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Do vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở này đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện lưu thông thêm như đã nêu ở trên.

Tuyến nhanh BRT 01 là tuyến buýt nhanh đầu tiên và duy nhất trên cả nước, sau sau 5 năm vận hành, tuyến buýt nhanh BRT thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn, tốc độ di chuyển của những xe này chưa nhanh như kỳ vọng của người dân.