Giám đốc các bệnh viện: Chỉ mong mua được vật tư với giá hợp lý, hợp tình và không vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, vấn đề mà các bệnh viện đang quan tâm hiện nay là làm sao mua hàng hóa với giá “hợp tình, hợp lý”, chất lượng mà không vi phạm quy định...
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Ngày 25-8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, trong đó tập trung đề cập vai trò của giám đốc bệnh viện trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, nhu cầu và yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng lên. Để bắt kịp với xu hướng đó, sự thay đổi ở các bệnh viện công lập là điều tất yếu. Không ai khác, người đứng đầu các bệnh viện phải gánh trọng trách này.

“Vai trò của giám đốc bệnh viện đòi hỏi không chỉ là người có trình độ chuyên môn mà còn phải có trình độ quản lý, là người chịu trách nhiệm cho sự phát triển của đơn vị” - bà Hà nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, quá trình tự chủ bệnh viện ở một số bệnh viện thời gian qua gặp khó khăn. Để giải quyết những vướng mắc đó, nhiều văn bản luật và dưới luật đã được ban hành.

Gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13) quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Thông tư 14/2023/TT-BYT (Thông tư 14) quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập…

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường phát biểu

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường phát biểu

Thảo luận tại hội thảo, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, nhiều quy định mới được áp dụng trong một thời gian ngắn khi triển khai Thông tư 13 và Thông tư 14 đã xuất hiện một số bất cập mới.

Chẳng hạn, khi mua sắm, đầu thầu, bệnh viện có thể thành lập hội đồng nhưng Thông tư 14 lại không quy định cụ thể, hội đồng này gồm những thành phần nào, tiêu chí hội đồng như thế nào... Ngoài ra, Thông tư 14 cũng không phân nhóm trang thiết bị để bệnh viện lựa chọn khi đấu thầu

“Nếu như trước đây, công việc của các giám đốc là 80% tập trung chuyên môn y tế và 20% là ngoài chuyên môn như mua sắm, đấu thầu... thì nay đã ngược lại” - Ông Thường chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát biểu

GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát biểu

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, vấn đề mà các bệnh viện đang quan tâm hiện nay là làm sao mua hàng hóa với giá “hợp tình, hợp lý” và mua được hàng hóa đạt chất lượng như mong muốn, chọn hàng hóa tốt từ hồ sơ thầu mà không vi phạm quy định.

Đề cập đến Thông tư 13, ông Ánh cho biết, Bộ Y tế có quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc ban hành khung giá cố định như hiện nay vẫn có những điểm chưa hợp lý.

Đơn cử ca bệnh “đặt hàng” bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4h sáng… Theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại thì còn khoảng 500 nghìn đồng cho cả ê kíp mổ. Như vậy, Thông tư 13 đang cố định mức giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả các mặt hàng như vật tư y tế… luôn thay đổi theo thị trường.

Lãnh đạo một số bệnh viện đề xuất, với các bệnh viện tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá bảo đảm theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân; còn Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm.