Xã Hồng Hà giải tỏa lò gạch từ... nóc
Ngày 7-8 được xem như thời hạn cuối cùng để UBND xã Hồng Hà giải quyết dứt điểm những lò gạch trái phép. Trước đó, ông Nguyễn Đình Đà - Chủ tịch xã Hồng Hà cũng từng cam kết sẽ giải tỏa và xử lý dứt điểm những lò gạch này muộn nhất là 31-7, tuy nhiên, mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở những lời hứa. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đan Phượng cho biết, để tồn tại những lò gạch trái phép trước tiên trách nhiệm quản lý thuộc về xã Hồng Hà. UBND huyện Đan Phượng cũng đã có chỉ đạo UBND xã xử lý nghiêm túc và kiểm điểm trách nhiệm khi để xảy ra tái phạm, nhưng mọi việc vẫn chưa đi đến hồi kết. Sau khi Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện về kiểm tra, xã đã cam kết lần 2 là những lò gạch trái phép này sẽ được giải tỏa xong trước 7-8. Tuy nhiên chiều 7-8 khi có mặt tại đây phóng viên ANTĐ ghi nhận việc giải tỏa chỉ mang tính “đầu voi đuôi chuột”. Trên thực tế, các lò gạch này chỉ bị xã xử lý phần… nóc. Tức là người ta chỉ hạ những tấm liếp che mưa trên đỉnh các lò gạch này xuống … xếp gọn vào một chỗ. Còn toàn bộ phần vỏ lò xây gạch kiên cố rộng hàng trăm mét vuông vẫn giữ nguyên. Thậm chí tại hiện trường, phóng viên ghi nhận nhiều tốp công nhân vẫn đang bốc xếp gạch lên các xe tải loại 3,5 tấn như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Cần nhắc lại, cách đây 4 năm khi huyện Mê Linh giải tỏa “vương quốc lò gạch” tại khu vực bãi nổi sông Hồng thì vẫn còn sót lại gần 10 vỏ lò nằm trên địa giới thuộc sự quản lý của xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Đây chính là những vỏ lò mà sau đó các đầu nậu đã sử dụng để “tái kích hoạt” và “đầu độc” hàng trăm hecta trồng hoa màu của bà con 4 xã của huyện Mê Linh. Việc xử lý của xã Hồng Hà xét cho cùng chỉ mang tính nửa vời. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Đây là các lò gạch trái phép, tại sao Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đan Phượng và UBND xã lại không tạm giữ phương tiện, gạch thành phẩm của các đầu nậu để xử phạt và yêu cầu chính họ phải phá dỡ?”. Ông Tuấn cho biết: “Theo giải thích của xã thì các đầu nậu này xin được đốt “một ít gạch” để lấy vật liệu xây loại lò thân thiện và không ô nhiễm. Vì thế xã không thực sự muốn… làm căng (?)”. Tuy nhiên, sự thực là xã Thạch Đà có được cấp phép để xây loại lò thân thiện hay không thì đến giờ này chỉ có... trời mới biết.
Gạch vẫn ra lò và công nhân vẫn hối hả vận chuyển đi bán
Cũng theo ông Tuấn, hạn chót 7-8 đã qua mà xã Hồng Hà vẫn chưa thể tự giải quyết dứt điểm những lò gạch lậu nên phòng Tài nguyên - Môi trường đã có tham mưu và văn bản xin ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng về kế hoạch sử dụng phương tiện cơ giới để phá toàn bộ vỏ lò tại khu vực bãi nổi sông Hồng. “Dự kiến muộn nhất là 15-8 chúng tôi sẽ phá toàn bộ các lò nào còn cố tình chây ỳ” – ông Tuấn cho biết. Trao đổi với phóng viên quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội khẳng định: “Cấm các lò gạch thủ công gây ô nhiễm là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010. Việc để tồn tại những lò gạch tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng gây bức xúc dư luận là trách nhiệm quản lý của địa phương. Hiện nay Sở cũng đã nhận được đơn thư khiếu nại của bà con nông dân xã Thạch Đà. Chúng tôi sẽ giao vấn đề này cho Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội theo dõi và giám sát công tác xử lý”.
Người gây ô nhiễm phải bồi thường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải. Theo đó, nước thải từ hệ thống thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ TN-MT ban hành. Nước thải từ các hộ thuộc khu dân cư nông thôn tập trung xả vào hệ thống thoát nước tại khu vực nông thôn phải tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường khu dân cư nông thôn tập trung và các quy định quản lý hệ thống thoát nước địa phương... Cũng theo quy định mới, người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước.