Giải quyết dứt điểm ùn tắc giao thông

ANTĐ - Tình hình trật tự ATGT trong 3 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn TP Hà Nội được đảm bảo, tuy nhiên TNGT đường sắt lại có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, quản lý hoạt động taxi còn bất cập, một số gầm cầu đường sắt bị sử dụng sai mục đích.

Giải quyết dứt điểm ùn tắc giao thông ảnh 1Giao thông Hà Nội đã được cải thiện nhưng rất dễ tái ùn tắc

Phức tạp hoạt động vận tải 

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trên địa bàn TP hiện có 91 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi với hơn 17.600 xe, khoảng 20.000 lái xe. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đã rà soát số lượng xe taxi trên địa bàn TP để xây dựng kế hoạch hậu kiểm, yêu cầu loại bỏ các phương tiện không đủ điều kiện theo quy định, đồng thời điều tiết cân đối số lượng xe taxi ở các khu vực trên địa bàn TP. Tuy nhiên, 

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, cần quản lý, siết chặt lại hoạt động của xe taxi trên địa bàn Hà Nội. “Nên tổ chức đấu thầu trong hoạt động taxi. Với số lượng 91 doanh nghiệp taxi như hiện nay là nhiều, nên rút gọn còn từ 10-20 doanh nghiệp. Như vậy, chất lượng dịch vụ tốt hơn, hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước cũng thuận tiện hơn”, Đại tá Đào Thanh Hải đề xuất. 

Ngoài số lượng lớn xe taxi thì hiện trên địa bàn TP còn có 404 doanh nghiệp đang hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Hà Nội đi các tỉnh, thành và ngược lại với tổng số phương tiện là 4.000 xe. Số lượng đơn vị tham gia hoạt động vận tải hành khách hợp đồng cũng khá lớn, lên tới 3.500 doanh nghiệp với hơn 7.800 xe. Đối với loại hình vận tải hành khách này, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh một số quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn như rút ngắn thời gian phù hiệu hợp đồng. Hiện, thời gian cấp phù hiệu theo thời hạn Giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải là 7 năm.

Về vấn đề ATGT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Bộ GTVT trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 cần xem xét, sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng đối với các hành vi gây nguy hiểm tính mạng con người hoặc liên quan đến ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách, Thông tư về giao thông vận tải cần quan tâm đến đặc thù của Hà Nội và TP.HCM, hiện nay một số chính sách còn chồng chéo, kìm hãm sự phát triển. 

Hà Nội nên “bán” bến xe để đầu tư hạ tầng

Dù công tác đảm bảo trật tự ATGT trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn TP được đảm bảo, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng riêng an toàn đường sắt lại diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, tình trạng TNGT đường sắt ở mức báo động. Những năm qua Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kết nối đường bộ, đường sắt nhưng tình trạng lấn, chiếm hành lang đường sắt, mở lối đi dân sinh vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Một số  gầm cầu đường sắt như Long Biên, Thăng Long cho người dân thuê để kinh doanh rất nguy hiểm và nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giải tỏa dứt điểm”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị. Hà Nội sẽ có chính sách về nhà ở để hỗ trợ các hộ dân sinh sống lâu năm dưới gầm cầu Long Biên và Thăng Long. 

Lý giải về việc này, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR thông tin, trên địa bàn Hà Nội hiện còn 400 đường ngang dân sinh qua đường sắt. “Rất khó để dẹp bỏ các đường ngang dân sinh vì nhu cầu đi lại của người dân. Cứ đóng chỗ này thì người dân lại mở ra chỗ khác, đến 99% các vụ TNGT đường sắt là do vượt tàu không tuân thủ. TNGT xảy ra chúng tôi cũng thiệt hại lớn”, ông Trần Ngọc Thành bày tỏ. Tuy vậy, lãnh đạo VNR cam kết sẽ phối hợp với Hà Nội giải tỏa dứt điểm tình trạng sử dụng gầm cầu Long Biên, Thăng Long để kinh doanh.

Ghi nhận sự nỗ lực của Hà Nội trong công tác đầu tư hạ tầng giao thông, việc GPMB phục vụ các dự án giao thông lớn của Bộ GTVT, nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng, tiến độ triển khai các dự án bãi đỗ xe ngầm và tĩnh của Hà Nội còn chậm, cần có cơ chế để thu hút tư nhân. Nếu không có giải pháp lâu dài về giao thông thì tình trạng ùn tắc sẽ tái diễn. “Không xử lý giao thông tĩnh thì không đường sá nào có thể chịu nổi với tốc độ tăng trưởng phương tiện như hiện nay. Hà Nội cũng nên cổ phần hóa 100% các bến xe”. Hà Nội “cứ đấu thầu, “bán” cho tư nhân vào khai thác, lấy vốn đầu tư hạ tầng khác. Cơ quan Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát”, ông Đinh La Thăng đề xuất.