Giải pháp ngăn tình trạng “giá đuổi theo lương”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ ngày 1-7, lương cơ bản tăng lên mức 1,8 triệu đồng/người/tháng được kỳ vọng là một trong những động lực để thúc đẩy sức mua trên thị trường khi người tiêu dùng có thêm tiền để nới lỏng chi tiêu. Nhưng liệu có tình trạng “giá đuổi theo lương”?

Sức mua vẫn yếu

Là chủ một cửa hàng tạp hóa lớn tại Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), chị Nguyễn Minh Thùy cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá nhập các loại hàng chế biến sẵn và hóa mỹ phẩm đều đã nhích dần lên nhưng người bán không dám tăng giá vì sức mua quá yếu. Tăng giá nữa thì chắc hàng hóa ngày càng ế ẩm”. Thậm chí, với một số mặt hàng như sữa tươi Ovaltine, Milo… cửa hàng còn đang khuyến mại cho người mua cả thùng để kích cầu”.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định để duy trì giá bán hợp lý

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định để duy trì giá bán hợp lý

Chủ một sạp hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Mỹ Đình cũng cho biết: “Giá lợn hơi tăng nhưng người bán lẻ như chúng tôi lại không dám tăng. Thịt lợn, xương vẫn dao động từ 90.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại. Khách hàng không có tiền, thời tiết thì nắng nóng nên tiểu thương chỉ bán theo kiểu lấy công làm lãi”.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, giá các mặt hàng dường như vẫn duy trì ổn định nhưng sức mua không cao. Bà Nguyễn Thuỳ Dương - Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị BRG cho biết: “Hiện tại, hệ thống siêu thị chưa nhận được thông tin nào của các nhà cung cấp báo giá tăng, hay thay đổi giá. Giá bán các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị được giữ ổn định, cùng với đó để kích cầu tiêu dùng, mỗi tháng siêu thị thực hiện 2 lần khuyến mại/ Nhiều hàng hóa như gạo, dầu ăn, nước mắm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm giảm giá sâu… nhưng sức mua không cao”. Theo bà Nguyễn Thùy Dương, thuế VAT giảm 2% từ ngày 1-7 áp dụng với một số loại hàng hóa cũng sẽ giúp giảm giá hàng hóa, từ đó góp phần kích thích sức mua tăng lên.

Việc tăng lương kể từ 1-7-2023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. Chưa kể, EVN có thế tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao khiến giá cả tăng. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cũng cho hay, Co.opmart hiện chưa nhận được thông tin nào của nhà cung cấp báo biến động thay đổi giá. Siêu thị cùng các nhà cung cấp vẫn đang chuẩn bị giảm 2% thuế VAT cho hàng hóa tiêu dùng thì giá hàng hóa một số sản phẩm sẽ giảm xuống. “Sức mua tại siêu thị không cao, lượng khách đến mua sắm vắng hơn trước. Trong những tháng cuối năm với kỳ vọng giảm thuế 2% VAT, giá hàng hóa giảm cộng với khuyến mại kích cầu thì sức mua sẽ tăng lên” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Hải Hoa (Văn Phú, Hà Đông) cho hay: “Hiện tại thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây vẫn tương đối rẻ, thậm chí còn rẻ hơn mọi năm, nhưng tôi sợ vài ngày nữa sau khi lương tăng, giá nhiều dịch vụ, hàng hóa sẽ “té nước theo mưa”.

Giá nhiều hàng hóa, dịch vụ dao động

Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam kiểm soát được lạm phát. So với nhiều nước và khu vực trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát giá cả khá hiệu quả. Dù vậy, trên thị trường nhiều hàng hóa, dịch vụ đã tăng giá. Chỉ tính riêng tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,27%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,22%; khu vực nông thôn tăng 0,32%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 1 nhóm hàng giảm giá (là nhóm viễn thông). Còn nếu so với tháng 12 năm ngoái, CPI tháng 6 tăng 0,67%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Trong các nhóm tăng giá, phải kể đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,31% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,35% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ Tết; nhóm giao thông tháng 6-2023 cũng tăng 0,87% so với tháng 12-2022, trong đó giá xăng dầu tăng 0,86% do từ đầu năm đến nay giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 18 đợt (làm cho giá xăng A95 tăng 1.310 đồng/lít, xăng E5 tăng 900 đồng/lít); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,49% do giá lương thực tăng 2,12%; nhóm giá ăn uống ngoài gia đình tăng 1,84%. Tính chung cả quý II-2023, CPI đã tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá điện, nhà ở và vật liệu xây dựng, dịch vụ giáo dục, thực phẩm… đều tăng giá. Điều này cho thấy dù mức tăng ở mức thấp nhưng tăng giá vẫn là xu hướng chủ đạo của nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tương tự, so với tháng trước, giá thịt lợn cũng ghi nhận mức tăng thêm 3,16% do nhu cầu trên thị trường tăng vào mùa du lịch. Bên cạnh đó, giá thịt lợn tại một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia tăng cũng hỗ trợ giá thịt lợn hơi trong nước. Tính đến ngày 25-6, giá thịt lợn hơi cả nước dao động từ 58.000 - 63.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng so với tháng trước. Giá thịt gia cầm tăng 0,13% so với tháng trước; giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,41% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp hè. Bên cạnh đó, do thời tiết mưa liên tục tại nhiều địa phương, các loại rau trồng dễ bị hư hỏng ảnh hưởng đến nguồn cung nên rau gia vị tươi, khô tăng 3,91% so với tháng trước.

Ngoài ra, giá đường, bơ sữa, phô mai, cà phê, nước giải khát, mũ nón giày dép đều tăng đáng kể. Các hàng hóa khác chủ yếu tập trung ở mặt hàng đồ dùng cá nhân, chăm sóc cơ thể cũng tăng nhẹ so với trước đó. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại, “giá cả đang đuổi theo lương, thậm chí tăng trước tăng lương”.

Cần đảm bảo nguồn hàng dồi dào, ổn định

Tại phiên họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước diễn ra ngày 30-6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm, mức tăng của thị trường trong nước và việc đảm bảo cung cầu, giá cả hàng hóa thời gian qua cho thấy đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Trong các tháng còn lại của năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý: “Cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… đặc biệt là thời điểm tháng 7 khi đến kỳ tăng lương cơ bản”.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, dù Việt Nam thành công trong kiểm soát lạm phát 6 tháng đầu năm, song ở nửa cuối năm, áp lực tăng giá hàng hóa vẫn còn lớn khi giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, giá dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng thực hiện điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI.

Theo quy luật, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. “Việc tăng lương kể từ 1-7-2023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. Chưa kể, EVN có thế tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao khiến giá cả tăng”- đại diện Tổng cục Thống kê nói. Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương bên cạnh việc thực hiện các giải pháp vĩ mô, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung; cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu; việc điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý quyết định mức độ và thời điểm phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.