Giải “độc” cho người tiêu dùng: “Hô biến” thành hàng sạch

ANTĐ - Để đối phó sự kiểm tra, truy bắt gắt gao của lực lượng chức năng, dân buôn “hàng bẩn” đang chuyển hướng, tìm cách “chạy” giấy tờ chứng nhận nguồn gốc hàng hóa, “hô biến” sản phẩm không an toàn thành hàng sạch, công khai vận chuyển, mua bán đến tay người tiêu dùng. 

Xe ô tô chở trên 118.000 quả trứng không rõ nguồn gốc nhưng vẫn có giấy kiểm dịch thú

Thủ thuật “phù phép” 10 vạn quả trứng

Kể về một trong những thủ đoạn tinh vi của dân buôn thực phẩm “bẩn” mà đơn vị vừa làm rõ, chỉ huy Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường CAQ Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Đầu tháng 12-2012, trinh sát có thông tin về một đường dây thu gom, vận chuyển trứng gà không rõ nguồn gốc từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung tiêu thụ. Để hợp thức hóa  trứng “bẩn”, dân buôn đã mua chuộc một số chủ trang trại gà, bằng cách nào đó có được sự “giúp đỡ” của cán bộ thú y địa bàn, “chạy” giấy kiểm dịch trứng, “hô biến” trứng gà không rõ nguồn gốc thành trứng thu mua trong các trang trại đã được kiểm dịch.

Vụ việc bị phanh phui ngày 6-12, khi trinh sát Đội Cảnh sát PCTP về môi trường CAQ Ba Đình, phát hiện xe ô tô tải BKS: 38N-0712 nghi vấn chở trứng gà không rõ nguồn gốc, đang bốc xếp hàng tại khu chợ tạm phường Việt Hưng, quận Long Biên. 13h cùng ngày, chiếc xe tải loại 3,5 tấn khởi hành vào Huế, khi đến đường Nguyễn Văn Linh, bị lực lượng công an, QLTT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tại thời điểm đó, lái xe Nguyễn Đức Toàn (SN 1971), ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh xuất trình được giấy kiểm dịch thú y của lô hàng, xe cũng có đầy đủ kẹp chì niêm phong. Lạ ở chỗ, giấy chứng nhận “hàng sạch” mà lái xe xuất trình, ghi mốc thời gian kiểm dịch số trứng này lúc 14h cùng ngày (?!), trong khi việc kiểm tra đang diễn ra lúc 13h. Trước dấu hiệu nghi vấn, lực lượng  công an, QLTT đã mời đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cùng phối hợp làm rõ.   

Tiến hành tháo kẹp chì kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện các thùng trứng không được niêm phong kiểm dịch thú y theo quy định, số trứng trên xe là gần 118.000 quả, thay vì 90.000 như trên giấy tờ. Để làm sáng tỏ nghi vấn, tính xác thực của giấy kiểm dịch thú ý, cơ quan công an đã mời chủ lô hàng - bà Nguyễn Thị Vượng (SN 1967), ở phường Đức Giang, quận Long Biên lên làm rõ. Quá trình làm việc, chủ hàng vẫn một mực khẳng định, toàn bộ số trứng trên có nguồn gốc, xuất ra ở trang trại gà và kiên quyết không thừa nhận hành vi mua bán, vận chuyển trứng “bẩn”. Nhằm xác thực thông tin của chủ hàng, tổ công tác Đội Cảnh sát PCTP về môi trường CAQ Ba Đình lập tức đến trang trại gà để xác minh, kết quả cho thấy, chủng loại trứng ở đây không giống với trứng vận chuyển trên xe, nhất là màu sắc. Với những chứng cứ không thể chối cãi, bà Vượng buộc phải tiêu hủy toàn bộ số trứng trên theo quy định. 

Con trẻ cũng bị “đầu độc”

“Sau hơn 3 tháng gửi các mẫu bim bim của Công ty TNHH SaSa Hà Nội (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) đi phân tích, chúng tôi xác định gần 40.000 gói sản phẩm đều chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm” - ông Kiều Đình Cảnh, Đội phó Đội QLTT 12, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, khi đơn vị ký quyết định tiêu hủy số hàng “bẩn” này. 

Vụ độn chất cấm trong bim bim lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện cách đây 3 tháng, khi đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH SaSa, phát hiện gần 10 tấn nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc. Về vụ việc nghiêm trọng này, ông Cảnh cho hay: Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận dây chuyền sản xuất bim bim đang hoạt động. Đứng máy là 5 người đàn ông quốc tịch Trung Quốc. “Chúng tôi bắt quả tang những người vận hành dây chuyền đang trộn đường 

Cyclamate (đường cấm dùng trong thực phẩm, gây hại cho người sử dụng) vào nguyên liệu làm bim bim”. Đáng chú ý, kho nguyên liệu của nhà xưởng này còn chứa 1,2 tấn đường cấm - đủ để sản xuất bim bim trong vòng 3 năm; hàng trăm 

kilogram bột ngọt, bột vị thịt, vị khoai tây, phẩm màu các loại có nhãn mác in chữ Trung Quốc, không hóa đơn chứng từ. “Đây là vụ “độn” đường cấm vào thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay mà đơn vị phát hiện” - ông Cảnh khẳng định. 

Chỉ huy Đội QLTT 12 cho biết thêm: Công ty sản xuất bim bim này có đầy đủ giấy phép theo quy định của pháp luật, hoạt động được hơn 1 tháng thì bị kiểm tra. Câu hỏi được đặt ra, một nhà xưởng công khai sử dụng chất cấm trong thực phẩm, tại sao vẫn được cơ quan chức năng chấp thuận, cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng? Một “lỗ hổng” trong giám sát, kiểm tra chất lượng thực phẩm được chỉ ra. 

(Còn nữa)