Giải cứu bé trai rơi xuống cọc bê tông: Điều kỳ diệu đã không xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hơn 100 giờ thực hiện công tác cứu hộ trong tâm thế tích cực, khẩn trương, tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết xác định bé trai đã tử vong. Mặc dù vậy, công tác cứu hộ vẫn đang được tiếp tục diễn ra gấp rút.

Tối 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu thông tin, nguyên nhân chính khiến bé Thái Lý Hạo Nam tử vong là do bị kẹt trong lòng ống trụ bê tông 4 ngày và bị đa chấn thương, thiếu dưỡng khí, nhiệt độ thấp…

Lực lượng cứu hộ làm việc liên tục hơn 100 giờ qua.

Lực lượng cứu hộ làm việc liên tục hơn 100 giờ qua.

Theo ông Bửu, trước đây lực lượng tại hiện trường vừa ưu tiên cứu hộ, vừa tìm cách để duy trì cho bé. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều qua, các cơ quan chức năng tại hiện trường dựa trên nhiều thông tin, xác định cháu bé Thái Lý Hạo Nam đã tử vong.

Ông Thái Văn Tấn Tài, bố cháu Hạo Nam đã đồng ý với biên bản ghi nhận vụ việc cháu bé đã tử vong và các phương án cứu nạn cháu ra khỏi lòng ống cọc bê tông.

Trước đó vào trưa 31/12/2022, bé Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt và bé gặp nạn khi rơi vào ống trụ bê tông đường kính 25cm, đã đóng sâu 35m xuống dưới lòng đất.

Ban đầu khi vừa phát hiện, cha của bé và lực lượng địa phương định giải cứu theo phương án tại chỗ là thả dây xuống. Tuy nhiên, phương án này không hiệu quả khi đường kính ống trụ bê tông quá nhỏ.

Sau 30 phút xảy ra sự việc, lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp cũng đã có mặt. Nước uống và oxy được bơm truyền xuống để Hạo Nam cầm cự nhưng không nhận được sự phản ứng.

Phương án ban đầu đưa là đào đất xung quanh rồi dùng cẩu kéo ống cọc bê tông lên song không hiệu quả.

Hai ngày sau, lực lượng Công binh của Quân khu 9 mang theo thiết bị chuyên dụng đến hiện trường, tham gia công tác cứu hộ. Lực lượng cứu hộ dùng phương pháp khoan guồng xoắn để thực hiện khoan ở độ sâu 34-35 m, tương đương độ sâu đáy của trụ bê-tông. Sau đó, phương pháp khoan xoáy nước áp lực cao được thay thế với kỳ vọng tăng cường năng lực giải cứu nạn nhân.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ thực hiện, phương pháp này đem lại kết quả hạn chế nên phải tạm ngừng để ưu tiên khoan kỹ thuật guồng xoắn bằng mũi khoan có đường kính nhỏ hơn so với trước đó nhằm làm tan rã phần đất còn lại, giảm áp lực ma sát tối đa.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết việc thay đổi phương pháp khoan xuất phát từ tình hình thực tế cứu nạn, khi việc khoan xoáy nước áp lực cao khá chậm và chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng do gặp tầng địa chất cứng.

Có mặt tại hiện trường, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9, đánh giá hiện trường vụ tai nạn nằm ở địa hình phức tạp, khó khăn trong di chuyển bằng đường bộ lẫn đường thủy nên buộc phải huy động nhiều lực lượng và thiết bị chuyên dụng...

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cũng nhận định yếu tố cản trở quá trình cứu nạn là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, thiết bị được vận chuyển từ nơi xa đến nên lực lượng chức năng không thể chủ động được. Đây là lý do chậm rút trụ bê-tông lên theo như dự tính trước đó.

Nói về có khởi tố vụ án hay không, một lãnh đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết lực lượng chức năng đang ưu tiên các biện pháp cứu hộ và hỗ trợ khó khăn cho gia đình bé Nam nên việc xử lý trách nhiệm sẽ để sau khi việc trên kết thúc.