Giá xăng tăng cao nhất lịch sử và những câu hỏi lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng đang rục rịch tăng theo giá xăng. Trên khắp các diễn đàn, thông tin giá xăng dầu đạt đỉnh lịch sử gây sự chú ý hàng đầu. Vượt đỉnh năm 2014, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất lịch sử. Áp lực chi tiêu ngày càng lớn đặt lên vai hàng triệu người tiêu dùng.

Lý do giá bán lẻ xăng dầu “bám” giá thế giới?

Chiều 21-2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố phương án giá bán lẻ xăng dầu trong nước áp dụng trong 10 ngày sau đó. Không trái dự đoán của giới chuyên gia và doanh nghiệp trước đó về 1 đợt tăng giá mạnh, giá xăng E5 RON92 đã tăng thêm 961 đồng/lít, nâng giá bán lẻ tối đa lên mức 25.532 đồng/lít. Đối với xăng RON95, Liên Bộ quyết định tăng thêm 965 đồng/lít, đưa giá mới lên vượt đỉnh tháng 6-2014, ở mức 26.287 đồng/lít.

Theo Bộ Công Thương, lý do tăng giá bán xăng dầu trong nước là do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trong chu kỳ điều chỉnh giá do căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, ở trong nước, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - đơn vị cung ứng 35% xăng dầu thành phẩm cho thị trường nội địa gặp trục trặc, tiết giảm mạnh sản xuất khiến lượng nhập khẩu phải nhiều hơn.

Giá xăng dầu trong nước đang đứng ở mức cao

Giá xăng dầu trong nước đang đứng ở mức cao

Bình luận về diễn biến thị trường xăng dầu thời gian gần đây, GS.TS Đặng Đình Đào - chuyên gia kinh tế nói: “Tại sao số đông đều đặt vấn đề là thị trường xăng dầu trong nước có dấu hiệu khan hiếm là do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất? Chúng ta còn có Nhà máy lọc dầu Bình Sơn cung ứng cho thị trường. Vai trò của Bình Sơn như thế nào mà cơ quan quản lý và dư luận chỉ hướng vào Nghi Sơn? Và tại sao bình thường, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 30% xăng dầu thành phẩm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước lại luôn căn cứ vào giá nhập khẩu, giống như chúng ta đang nhập khẩu 100% vậy”?

Theo GS Đặng Đình Đào, nếu Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất thì cơ quan quản lý phải xem xét lại vai trò, khả năng cung ứng của Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Trên cơ sở đó, giá bán lẻ phải là bình quân của tỷ lệ xăng dầu nhập khẩu theo giá nhập và giá xăng dầu trong nước tự sản xuất được, cộng với các loại thuế, phí.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, việc thông tin gần như bỏ qua vai trò của Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn hiện tại khiến nhiều người băn khoăn, giá xăng dầu của Việt Nam đang phụ thuộc 100% vào giá nhập khẩu và việc điều hành giá giống như ở một số nước: Lào, Campuchia… - các nước vốn đang nhập khẩu 100% xăng dầu. Nói cách khác, dù có 2 nhà máy lọc dầu quy mô lớn nhưng 2 nhà máy này vẫn không góp được sức để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20,5 triệu tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn, tương đương khoảng 34%, tức là xăng dầu trong nước tự cung cấp được tới 75%. Trong khi đó, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng tới 35% thị phần xăng dầu trong nước. Do vậy, dù có nâng công suất lên hơn 100% thì đơn vị còn lại cũng không thể “cứu vãn” nếu tình huống xấu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn xảy ra.

Mặt khác, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn được thành lập tháng 4-2008 với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, vận hành thương mại ngày 14-11-2018. Cổ đông gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 25,1% vốn; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait 35,1%; Công ty Idemisu Kosan Nhật Bản 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản 4,7%.

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu, cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...). Do những ưu đãi với Nghi Sơn như vậy nên hiện tại, phần lớn giá xăng dầu Việt Nam được tính với giá xăng dầu nhập khẩu. Khi thế giới tăng, giá xăng dầu trong nước cũng đi lên.

Áp lực chi tiêu trực tiếp với người dân

Sau 5 kỳ tăng giá liên tiếp kể từ cuối năm 2021 và đạt đỉnh trên 26.300 đồng/lít, trên các diễn đàn mạng, nhiều người tỏ ra lo lắng khi giá xăng dầu gây thêm áp lực chi tiêu. Anh Nguyễn Huy Hoàng (Hà Đông - Hà Nội) cho hay: “Từ đầu tuần này, tôi chuyển sang đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông để vừa giảm chi phí xăng dầu, vừa đỡ tắc đường”. Theo anh Hoàng, đi tàu điện sẽ mất thêm thời gian đi bộ từ nhà ra ga tàu và từ ga tàu về chỗ làm, tổng thời gian đi lại nhiều hơn so với tự đi xe. Tuy nhiên, do công việc cố định, ít phải đi lại trong ngày nên tạm thời lựa chọn phương tiện công cộng để tiết kiệm. “Nếu đi được phương tiện này lâu dài thì cũng tốt” - anh Hoàng cho biết.

Lo lắng vì giá xăng dầu tăng chóng mặt, chị Đào Hồng Thắm (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, do nơi làm việc xa nhà nên thông thường mỗi tháng trước đây chị phải chi khoảng 320.000 đồng cho tiền xăng. Hiện tại, mức chi sẽ tăng thêm khoảng 50.000 đồng/tháng. “Lương tôi 7 triệu/tháng, đi làm 14km/lượt, như vậy mỗi ngày là 28km, chi phí đi lại rất tốn kém. Chỉ tính riêng xăng xe đã gần 400.000 đồng/tháng. Chưa kể, đi chợ bây giờ mớ rau, con cá đều tăng giá. Người bán nào cũng bảo giá xăng tăng cao quá rồi, giữ nguyên giá hàng sao được” - chị Hồng Thắm chia sẻ.

Dường như đã trở thành quy luật, cứ giá xăng dầu tăng là nhiều mặt hàng tiêu dùng từ mớ rau đến cân thịt hay các mặt hàng chế biến sẵn đều nhấp nhổm tăng theo, bởi lẽ xăng dầu là mặt hàng đầu vào sản xuất, dù đi đâu, làm gì cũng cần đến xăng dầu. Chịu tác động một cách trực tiếp, dịch vụ vận tải thường đi đầu trong các đợt xem xét điều chỉnh giá sau khi giá xăng tăng. Nói cách khác, chỉ cần giá xăng dầu tăng thì lập tức tác động “vòng trong vòng ngoài” đến đời sống của người dân.

Theo các chuyên gia kinh tế, chưa cần tính toán đến các ảnh hưởng vĩ mô như lạm phát, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ tăng giá xăng dầu vì đó là bài toán điều hành của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tác động trực tiếp đến hàng triệu người dân thì cần xem xét, vì giá cả tăng sẽ khiến cầu giảm, kéo theo sản xuất ảm đạm hơn. Tuy vậy, tăng giá xăng dầu vẫn là biến động không thể thay đổi của thị trường.

Do đó, các cơ quan quản lý cần xem xét việc tăng giá của hàng hóa, dịch vụ xem có hợp lý hay không? Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, nếu giá xăng dầu tăng 5%, thì giá dịch vụ vận tải không phải cũng tăng cơ học thêm 5%. Thay vào đó, chẳng hạn 1 chiếc xe chở trung bình 50 khách/chuyến thì số tiền chênh giá xăng phải chia đều cho số lượng hành khách này, không thể để dịch vụ “té nước theo mưa”. Đơn vị nào làm sai sẽ bị phạt nặng để răn đe.

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý

Đánh giá về vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc điều hành xăng dầu thời gian qua, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho rằng: “Trách nhiệm của ngành Công Thương là phải đảm bảo an ninh năng lượng cũng như không để giá xăng dầu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, lưu thông và đời sống người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Bộ Công Thương chưa có những chính sách, cơ chế kịp thời để quản lý nguồn cung xăng dầu trong nước. Bởi lẽ, đây không phải lần đầu tiên các nhà máy lọc dầu thông báo giảm công suất khiến giá xăng dầu trong nước tăng vọt. Bộ Công Thương cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp khắc phục vấn đề với Nghi Sơn cũng như sử dụng các công cụ điều chỉnh phù hợp để cân bằng lại thị trường”.

Trong khi đó, GS Đặng Đình Đào cho rằng, chuyển đổi số là chìa khóa để thực hiện công khai, minh bạch thị trường xăng dầu và điều hành giá ít gây phản ứng từ dư luận. “Chuyển đổi số của ngành Công Thương cần đi vào thực chất, để dù chỉ 1 tín hiệu nhỏ của nhà máy lọc dầu không tốt, Bộ quản lý đã nắm được và có phương án điều hành, thay vì bị động và chậm trễ. Cơ quan quản lý phải biết tồn kho bao nhiêu, cần nhập khẩu như thế nào, giá nào để tính toán và công khai”.

Theo GS Đặng Đình Đào, bối cảnh hiện tại chưa nên bỏ Quỹ bình ổn giá, nhưng quỹ này cũng cần được công khai, minh bạch hơn. Có như vậy thì giá xăng dù tăng hay giảm cũng đều không gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.

Trước ngày 28-2, phải báo cáo Thủ tướng về đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường xăng dầu

Tại Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-2-2022. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan phải đảm bảo cung ứng xăng dầu trong mọi tình huống.