Giá vé máy bay sắp tăng

ANTĐ - Từ ngày 1-10 tới, theo Quyết định của Bộ Tài chính, khung giá một số dịch vụ hàng không tại các sân bay được phép tăng so với mức hiện hành. Việc tăng giá vé máy bay chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Việc tăng phí dịch vụ hàng không sẽ đẩy giá vé tăng

Giá dịch vụ “đẩy” giá vé

Theo Quyết định 1992/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, đối với các sân bay nhóm A như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. HCM), Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Thơ, Đà Nẵng, Cát Bi (Hải Phòng)… khoản lệ phí tăng từ mức 54.545 đồng/hành khách lên mức 70.000 đồng. Đối với các sân bay nhóm B như Phù Cát (Bình Định), Cà Mau (Cà Mau), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Liên Khương (Lâm Đồng), Tuy Hòa (Phú Yên), Đồng Hới (Quảng Bình)… tăng từ mức 45.455 đồng lên 60.000 đồng/hành khách. Với hành khách đi các chuyến bay quốc tế, khoản lệ phí sân bay về cơ bản không có điều chỉnh, duy chỉ có nhà ga T2 (nhà ga mới) tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có mức phí áp dụng 25 USD/hành khách.

Về giá soi chiếu an ninh hành khách, hành lý, Bộ Tài chính cho phép thay đổi phương thức thu tính theo hành khách thay vì theo chuyến bay và loại máy bay như hiện nay. Theo đó, phí soi chiếu an ninh hành khách, hành lý quốc nội sẽ được tính 10.000 đồng/hành khách, khách qua cửa ưu tiên là 20.000 đồng; phí soi chiếu đối với hành khách, hành lý quốc tế 32.000 đồng (1,5 USD/hành khách). Riêng, giá soi chiếu an ninh hàng hóa tăng 10% so với mức thu hiện hành (15-17 USD/tấn). Đây là lần thứ ba, kể từ năm 2010 đến nay, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng phí dịch vụ tại các sân bay.  

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện các hãng hàng không, mức tăng giá một số dịch vụ theo Quyết định 1992 chủ yếu thu trực tiếp của hành khách. Số tiền này được tính vào giá vé để hãng thu hộ cho các sân bay. “Việc tăng lệ phí sân bay và một số chi phí khác trực tiếp ảnh hưởng đến giá vé máy bay và đã đẩy lùi cơ hội đi máy bay của người dân. Mặt khác, các hãng hàng không cũng không tránh khỏi những khó khăn, khi vừa phải đầu tư rất lớn, lại vừa phải đối mặt với các loại sân bay, bến bãi liên tục tăng,” đại diện một hãng hàng không bày tỏ. Với quyết định này, các hãng hàng không vừa phải tăng thêm các chi phí phải trả ở sân bay và bồi thường cho hành khách khi chậm, hủy chuyến. Trong khi đó, dù tăng phí nhưng không lấy gì đảm bảo, dịch vụ tại các sân bay sẽ tốt hơn.

Chi phí đi lại sẽ tăng nhẹ

Hành khách đi máy bay gần như không biết đến các khoản phí nói trên. Khi mua vé máy bay, khách chỉ nhìn thấy tổng số tiền phải trả. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giá mà hãng đưa ra cho mỗi tờ vé được tính toán dựa trên các loại phí mà hãng gọi là “thu hộ” như phí trả cho sân bay, nhà điều hành, quản lý hoạt động... Hiện nay, trên mỗi vé máy bay, hành khách phải trả 3 loại phí là phí xuất vé (50.000 đồng), 10% VAT và một khoản phí dịch vụ hành khách, bao gồm tổng cộng tất cả các loại phí ở sân bay, quản lý bay cộng lại và chia theo đầu người. Hiện, khoản phí dịch vụ hành khách nói trên ở các chuyến bay nội địa dao động từ 110.000 -120.000 đồng/vé. Bởi vậy, theo nhận định, giá vé trên nhiều chặng bay nội địa, quốc tế sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đại diện các hãng đều tỏ ra khó hiểu khi Bộ Tài chính quyết định tăng phí dịch vụ vào thời điểm này, bởi đây đang là mùa thấp điểm, thời điểm các hãng hàng không vắng khách, giảm tần suất bay. Để thu hút hành khách đi lại vào mùa này, các hãng thường phải đưa ra nhiều hình thức khuyến mại như giảm giá, bán vé giá rẻ vào những khung giờ khác nhau…  

Trước thông tin về việc giá vé máy bay có thể tăng sau quyết định của Bộ Tài chính, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện tại, các đường bay nội địa, kể cả những đường bay đông khách nhất, giá vé máy bay cũng đều chưa bán đến giá trần. Hiện Cục Hàng không chưa nhận được bất cứ đề nghị nào từ các hãng về việc tăng giá vé máy bay. Tuy nhiên, với việc Bộ Tài chính cho phép tăng giá một số dịch vụ tại các cảng hàng không từ ngày 1-10 tới đây, chi phí đi lại cho một chuyến bay của hành khách sẽ tăng nhẹ. Còn Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh phí này là cần thiết, để phù hợp với mức độ tăng giá của các loại dịch vụ hàng hóa khác.