- Vì sao giá vàng không thể tăng, bất chấp đàm phán trần nợ công của Mỹ thất bại?
- Giá vàng giảm mạnh sau thất bại đàm phán trần nợ Mỹ
- Giá vàng sẽ sớm lấy lại mốc 2.000 USD/ounce trước căng thẳng trần nợ Mỹ?
Trong phiên giao dịch 24/5 (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ đã giảm 18,2 USD/ounce, xuống 1.957,5 USD/ounce. Sang đến phiên châu Á, kim loại quý tiếp tục giằng co quanh mức giá này.
Trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng cũng đồng loạt giảm. Tuy nhiên vàng SJC chỉ giảm nhẹ 50 - 100 nghìn đồng mỗi lượng.
Thương hiệu vàng quốc gia SJC được Công ty SJC niêm yết ở mức 66,45 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); DOJI, Phú Quý niêm yết mức 66,40 - 67,00 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 66,42 - 67,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn giảm mạnh hơn với mức giảm 150 - 200 nghìn đồng mỗi lượng. Theo đó, vàng nhẫn 99,99 của SJC niêm yết tại 55,75 - 56,70 triệu đồng/lượng; nhẫn Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 55,83 - 56,73 triệu đồng/lượng; nhẫn PNJ 55,70 - 56,75 triệu đồng/lượng...
Vàng đang chịu áp lực khi đồng USD tăng giá |
Thị trường vàng đang chịu thêm áp lực sau khi công bố Biên bản cuộc họp tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương này đã chia rẽ về việc liệu có cần tăng lãi suất thêm hay không.
Các quan chức Fed cho biết họ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu trong tương lai. Những người tham gia thường bày tỏ sự không chắc chắn về việc thắt chặt chính sách ở mức như thế nào để có thể phù hợp.
Theo biên bản, một số quan chức Fed cho rằng lạm phát giảm tốc là "chậm không thể chấp nhận được", điều này đồng nghĩa các đại biểu này ủng hộ tăng lãi suất nhiều hơn. Ngược lại, một số quan chức lại lưu ý rằng nếu nền kinh tế tiếp tục chậm lại thì có thể không cần thắt chặt chính sách hơn nữa.
Dù vậy, nhìn chung, đa phần các ý kiến cho rằng do tác động trễ của chính sách tiền tệ và các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn sau khủng hoảng của khu vực ngân hàng, đã ngày càng ít ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất.
Sau khi biên bản cuộc họp được công bố, các thị trường dự đoán 73% cơ hội tạm dừng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 và 27% cơ hội tăng 25 điểm cơ bản, theo CME FedWatchTool.
Tuy nhiên, dù Fed có tiếp tục tăng lãi suất hay tạm dừng, thì một điều có vẻ chắc chắn là mức lãi suất cao hiện nay sẽ được giữ trong thời gian không ngắn nữa. Điều này đang ủng hộ đồng USD, qua đó tạo áp lực lên giá vàng.
Cùng với đó, các cuộc thảo luận xung quanh tình trạng trần nợ vẫn chưa được giải quyết khi chỉ còn cách thời hạn ngày 1/6 chỉ ít ngày nữa. Dù vậy, các thành viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa cho biết họ đang nối lại các cuộc đàm phán và tin tưởng sẽ đạt được thỏa thuận gia hạn trần nợ công.
Có lẽ giới đầu cơ suy đoán hai đảng rồi sẽ phải tìm được một giải pháp chung, thị trường tài chính sẽ ổn định, nhu cầu trú ẩn vốn vàng để phòng ngừa rủi ro sẽ sụt giảm.