Giá vàng dự kiến biến động mạnh sau khi dữ liệu lạm phát công bố ngày mai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng sẽ phá vỡ trạng thái “lình xình” gần đây khi dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố vào ngày mai. Nếu lạm phát tiếp tục tăng, dự báo vàng sẽ bứt phá.

Sau khi giảm mạnh vào sáng hôm qua, giá vàng trong nước sau đó lại phục hồi trở lại và chốt phiên với mức tăng 150 nghìn đồng/lượng. Sang đến sáng nay, kim loại quý tiếp tục đà phục hồi với mức tăng 100 nghìn đồng mỗi lượng tính đến 10h sáng 10/12.

Theo đó, giá thương hiệu vàng quốc gia SJC đang được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 60,65 – 61,35 triệu đồng/lượng tại TP.HCM, 60,65 – 61,37 triệu đồng/lượng tại Hà Nội. Tại DOJI, vàng SJC đang giao dịch quanh 60,50 – 61,15 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, kim loại quý màu vàng đang giao dịch quanh 1.778,8 USD/ounce và có xu hướng tăng không đáng kể trong vài phiên trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ có biến động lớn vào ngày mai sau khi Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ sẽ công bố các con số về lạm phát so với chỉ số CPI.

Báo cáo này sẽ là một thành phần quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ xem xét trước khi ban hành chính sách tiền tệ điều chỉnh của mình.

Giá vàng đang chờ đợi những dữ liệu quan trọng về lạm phát

Giá vàng đang chờ đợi những dữ liệu quan trọng về lạm phát

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tốt hơn mong đợi cùng với đồng đô la mạnh hơn đang kéo vàng giảm xuống, song cũng có các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu CPI. “Nếu con số lạm phát đang ở mức cao, thì vàng sẽ tăng trở lại ngay lập tức và tiến tới mức 1.800 đô la ” – ông nói.

Áp lực lạm phát Mỹ đã vượt khỏi tầm kiểm soát trong nhiều tháng. Tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn vào đầu tháng 6 khi chỉ số CPI ở mức 5,4%. Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức này trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào tháng 10 khi dự báo mức tăng CPI mặc dù đã lên tới 5,8% nhưng con số thực tế còn vượt xa dự đoán, với mức tăng 6,2%. Lần đầu tiên áp lực lạm phát lớn đến như vậy kể từ tháng 11 năm 1990.

Nếu như trước đó, Fed đưa ra các chính sách tiền tệ dựa trên giả định của mình với niềm tin rằng áp lực lạm phát hiện tại chỉ là nhất thời và sẽ nhanh chóng lùi xuống mức có thể chấp nhận được.

Thế nhưng gần đây, Chủ tịch Powell đã thừa nhận rằng giả định đó là không chính xác khi loại bỏ từ “tạm thời” khỏi những nhận định của mình. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng có thể báo cáo tới đây sẽ đưa ra thêm mức kỷ lục của lạm phát.

Hiện tại, các nhà kinh tế được thăm dò ý kiến ​​từ nhiều nguồn khác nhau đang dự báo mức lạm phát cao hơn với dự đoán rằng nó sẽ tăng 0,7%, đưa con số tăng so với cùng kỳ năm trước là 6,8%. Nếu các nhà kinh tế học đúng, đó sẽ là một mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980s.