Gia tăng tội phạm vị thành niên: Trách nhiệm thuộc về ai?

(ANTĐ) - Nhiều bậc phụ huynh giật mình, không tin nổi khi nhận được thông báo của cơ quan công an về việc con mình bị bắt vì vi phạm pháp luật. Tình cảnh này đang diễn ra khá phổ biến bởi hiện nay có rất nhiều trẻ vị thành niên (VTN) sống buông thả, không có sự quan tâm giáo dục của gia đình, không ý thức được những hành vi vi phạm pháp luật.

Gia tăng tội phạm vị thành niên: Trách nhiệm thuộc về ai?

(ANTĐ) - Nhiều bậc phụ huynh giật mình, không tin nổi khi nhận được thông báo của cơ quan công an về việc con mình bị bắt vì vi phạm pháp luật. Tình cảnh này đang diễn ra khá phổ biến bởi hiện nay có rất nhiều trẻ vị thành niên (VTN) sống buông thả, không có sự quan tâm giáo dục của gia đình, không ý thức được những hành vi vi phạm pháp luật.

Tội phạm vị thành niên ngày càng tăng cao - Ảnh: VNN
              Tội phạm vị thành niên ngày càng tăng cao - Ảnh: VNN

“Báo động đỏ”

Thời gian gần đây, trẻ VTN phạm tội gia tăng khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Nạn tự tử, hút xách, lắc và “bay”, bỏ học, bỏ nhà đi hoang, tập hợp thành băng nhóm, gây án lấy tiền thỏa mãn những cuộc vui, cơn nghiện. Mặc dù tuổi còn ít, nhưng những gì họ gây ra là rất tàn nhẫn.

Ngày 15-5-2008, TAND thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ cướp tài sản của lái xe taxi. Điều đáng nói là 4 đối tượng bị đưa ra xét xử đang ở độ tuổi 17-18, do Cao Văn Quang ở Sở Thượng, Yên Sở, Hoàng Mai (Hà Nội) cầm đầu.

Đây là những thanh niên chơi bời lêu lổng, kết bạn với nhau qua “chat”, rồi tụ tập, đi đêm tại các quán Internet, quán karaoke và các nhà nghỉ... rồi rơi vào con đường phạm tội. Cuối tháng 5-2008, TAND thành phố Hà Nội cũng đưa ra xét xử sơ thẩm 5 đối tượng gây ra vụ cướp tài sản. Các đối tượng này còn rất trẻ, đều sống trong những gia đình khá giả.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tội phạm, có nhiều nguyên nhân khi mà lứa tuổi còn cắp sách đến trường vi phạm pháp luật. Phần lớn đều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình. Có những ông bố bà mẹ nuông chiều con quá mức, cung cấp tiền cho con tiêu xài, ăn chơi mà không hề kiểm soát.

Số khác thì lại thiếu quan tâm, do mải làm ăn, hoặc hoàn cảnh khó khăn, lao vào kiếm tiền. Hoặc do sự đổ vỡ của chính bố mẹ chúng khiến cho chúng thiếu thốn tình cảm, không người chăm nom. Từ việc thiếu quan tâm, giáo dục của cha mẹ đã tạo ra sự buông lỏng trong cách sống của trẻ, dễ sa vào con đường phạm tội.

Theo số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trẻ em dễ mắc phải những tội như: cướp của, giết người, vận chuyển ma túy. Năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, riêng trẻ em dưới 16 tuổi có 7 nghìn vụ vi phạm, chiếm đến 70% tội phạm VTN dưới 18 tuổi. Công an các địa phương đã khởi tố điều tra 8.531 vụ với 11.732 đối tượng ở tất cả các tội danh này.

Xử lý hành chính lên tới 35.463 vụ với 48.187 đối tượng; trong đó giao cho gia đình giáo dục 21.484 đối tượng, xã phường quản lý, giáo dục 8.892 đối tượng, lập hồ sơ đưa đi trường giáo dục 5.616 đối tượng, áp dụng các biện pháp khác 11.677 đối tượng.

Đâu là nguyên nhân?

Một thực tế không thể phủ nhận việc bùng nổ công nghệ thông tin. Nhiều học sinh, sinh viên đã bỏ học vùi đầu vào các quán net để chát, chơi game online trên mạng. Các em lại ưa chuộng các trò chơi games bạo lực đẫm máu và kích động mạnh...

Thiếu tiền chơi điện tử, thiếu tiền tiêu xài, hút chích thì những nhóm cướp nhí ra đời rồi cùng nhau đi cướp giật tài sản. Còn trong quan hệ tình cảm, yêu đương đã không từ cả việc làm chuyện… người lớn!

Luật sư Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Việt An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong số trẻ VTN phạm pháp có khoảng 71% trẻ không được quan tâm chăm sóc đầy đủ của gia đình.

Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên chủ yếu xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% số bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% do cách đối xử của bố mẹ...

Có những em không tìm thấy chỗ dựa an toàn từ mái ấm gia đình. Khi con người ta được học hành hoặc có việc làm thì rõ ràng thời gian để có thể làm những việc không có ích, những việc bất lợi cho xã hội sẽ không có, hoặc rất ít xảy ra.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình, Giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn Tâm lý Hoàng Nhân cho rằng, trẻ VTN hư hỏng, thậm chí dính đến tù tội xuất phát từ những gia đình “có vấn đề”, cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục và đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái. Lâu nay, họ chỉ biết áp đặt con phải thế này, con phải thế kia nên trở thành một sức ép tâm lý, con cái phải sống theo kiểu đối phó.

Bên cạnh đó, những áp đặt theo giá trị cũ, nhưng hệ thống quản lý lại hết sức lỏng lẻo. ở độ tuổi này, trẻ thích thể hiện cái tôi, hành động theo trào lưu, qua phim ảnh, bắt chước người lớn mà không kiểm soát nổi cảm xúc cũng như ý thức được hành vi phạm tội của mình.

Việc làm tốt nhất là nên phân tích con làm như thế thì hậu quả như thế này và vi phạm, con nên suy nghĩ và lựa chọn. Hãy đặt mình vào bọn trẻ, từ giá trị đến cảm xúc để giải quyết chứ không nên áp đặt cứng nhắc.

Quang Trường