Gia tăng tội phạm “đâm thuê, chém mướn”

(ANTĐ) - Theo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP, mặc dù phạm pháp hình sự nói chung trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm giảm, song trọng án lại có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những vụ côn đồ, bạo lực, đòi nợ, “đâm thuê chém mướn”. Tại TAND Hà Nội, từ đầu năm 2008 đến nay, đã có hơn chục nhóm côn đồ hoạt động dưới hình thức này bị đưa ra xét xử.  

Gia tăng tội phạm “đâm thuê, chém mướn”

(ANTĐ) - Theo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP, mặc dù phạm pháp hình sự nói chung trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm giảm, song trọng án lại có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là những vụ côn đồ, bạo lực, đòi nợ, “đâm thuê chém mướn”. Tại TAND Hà Nội, từ đầu năm 2008 đến nay, đã có hơn chục nhóm côn đồ hoạt động dưới hình thức này bị đưa ra xét xử.  

Những vụ án điển hình

Tháng 6-2008, TAND thành phố Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm nhóm côn đồ gây ra hàng loạt vụ án trên địa bàn Hà Nội. Một trong những vụ nghiêm trọng nhất là vụ dùng súng chống lại CSHS Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đầu năm 2007 và vụ đập phá quán cà phê Bảo Oanh (đường Thanh Niên) theo “đơn đặt hàng” làm chủ quán bị thương.

Kẻ cầm đầu là Nguyễn Thiệu Quý (SN 1973), trú tại Nguyên Khê, Đông Anh (Hà Nội) hiện đối tượng đang trốn truy nã. Hay như vụ trả thù nhầm tại Gia Lâm (Hà Nội) với 6 bị cáo, xuất phát từ việc được “nhờ” dằn mặt chủ nhà, mà tên cầm đầu là Đỗ Đức Vang ở Quảng Ninh cũng đang trốn truy nã.

Rồi nhóm “đâm thuê chém mướn” gồm 3 tên do Nguyễn Trọng Quyết (SN 1972), trú tại Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội) cầm đầu, chỉ trong thời gian ngắn, bọn chúng không chỉ gây ra gần chục vụ lớn, nhỏ dưới hình thức đánh người trả thù, tranh giành bến bãi, địa điểm kinh doanh làm ăn, mà còn tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. 

Trước đây, những nhóm côn đồ kiểu này thường hoạt động tại các thành phố lớn, nhưng thời gian gần đây chúng hoạt động liên tỉnh. Điển hình là nhóm đâm thuê do Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “con”), SN 1975, trú tại phường Hàng Bột, Đống Đa (Hà Nội) cầm đầu đã vươn “chân rết” vào tận TP Hồ Chí Minh để hoạt động.

Dưới Nguyễn Anh Tuấn là 13 đối tượng chuyên cướp của, giết người, đâm thuê, chém mướn, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; che giấu, không tố giác tội phạm. Trong 1 năm, Tuấn “con” đã cùng đồng bọn gây ra nhiều vụ lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó có vụ cướp giật hơn 200 triệu đồng trên đường Bình Giã (TP Hồ Chí Minh); vụ chém tử vong anh Đặng Vũ Thắng (kế toán Thảo Cầm Viên).

Thậm chí, còn có cả tội phạm chém mướn từ tỉnh ngoài vào Hà Nội gây án. Cụ thể là nhóm côn đồ 5 tên, trong độ tuổi từ 17-23, do Nguyễn Bảo Long (SN 1988) ở Thái Nguyên cầm đầu. Nhận được “hợp đồng” lên Hà Nội “hành nghề”, chúng đã thuê 2 ôtô từ Thái Nguyên về để chém anh Phạm Cao Đức (SN 1976), trú tại Khương Trung, Thanh Xuân (Hà Nội) và anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1976), ở Thành Công, Ba Đình (Hà Nội). Hậu quả, 2 anh bị thương nặng...

Những bị cáo trong vụ “đâm thuê, chém mướn” tại Gia Lâm
Những bị cáo trong vụ “đâm thuê, chém mướn” tại Gia Lâm

Cùng một nguyên nhân...

Thống kê chưa đầy đủ từ cơ quan công an, phần lớn nguyên nhân của các vụ “đâm thuê, chém mướn” xuất phát từ mâu thuẫn trong kinh doanh. Chẳng hạn vụ trả thù nhầm ở Gia Lâm, nguyên nhân bắt đầu từ chuyện ký gửi hàng.

Theo chị Nguyễn Thị Phương - chủ cửa hàng Long- Phương, ở Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) thì: Ngày 9-5-2007, Nguyễn Thị Huyền - một người đưa hàng ở Hải Phòng đã tìm đến cửa hàng của chị Phương và ký gửi 26 mặt hàng làm móng tay, trị giá 7,8 triệu đồng.

Hai bên thỏa thuận miệng, sau khi bán hết hàng mới trả tiền. Ngày 14-5-2007, Huyền tiếp tục gửi hàng trị giá gần 2 triệu đồng. Sau 2 tháng vì hàng chất lượng kém, khách trả lại nhiều, nên chị Phương điện thoại gọi Huyền lên Hà Nội nhận lại hàng. Khi đó, số hàng tồn trị giá 5,1 triệu đồng, Huyền không đồng ý nhận hàng mà đòi tiền mặt.

Chính vì thế, 2 bên đã xảy ra xô xát, phải nhờ đến lực lượng CS 113 và ra trụ sở CAP Đức Giang (Hà Nội) để giải quyết. Huyền đã kể chuyện này với người yêu là Đỗ Đức Vang. Vang đã “nhờ” người quen “dằn mặt” hộ. Người quen của Vang đã gọi thêm một số người để tạo nên 1 nhóm.

Sau cú điện thoại của Huyền (ngày hôm trước) với nội dung: “Tao không cần tiền nữa. Tao đang ngồi cùng các bạn. Mạng của tao giá 2 tỷ, mạng mày chỉ đáng 5 triệu đồng thôi”, ngày hôm sau đã diễn ra cuộc trả thù nhầm. Nạn nhân không phải là anh Long - chồng chị Phương mà là anh Hà Xuân Đường - em họ của chị Phương.

Vụ trả thù anh Đức và anh Tuấn do các đối tượng từ Thái Nguyên xuống, xuất phát từ Vương Việt Phong (SN 1981), trú tại Quán Thánh, Ba Đình (Hà Nội). Do có mâu thuẫn trong làm ăn nên Phong đã nhờ một đối tượng là Nguyễn Tiến Dũng, trú tại Khâm Thiên, Đống Đa (Hà Nội) “trả thù” hộ.

Dũng nhận lời Phong, rồi điện thoại lên Thái Nguyên và gọi các đối tượng về Hà Nội “xử lý”. Hay như vụ việc ở quán cà phê Bảo Oanh (đường Thanh Niên) cũng xuất phát từ việc tranh giành chỗ để xe của khách.

Một trong những hoạt động “đâm thuê, chém mướn” “trá hình”, gây bất bình dư luận thời gian qua là công ty đòi nợ thuê theo kiểu luật... giang hồ. Gần đây, 2 ổ nhóm côn đồ với tổng cộng 25 đối tượng đã chuẩn bị hầu tòa.

Theo Cơ quan CSĐT về TTXH - CATP Hà Nội thì, việc tìm ra mối liên hệ giữa tên cầm đầu, chủ mưu với các vụ việc liên quan là khá khó khăn, phức tạp. Thông thường những nhóm hoạt động chuyên nghiệp không để lại dấu vết.

Khi nhận được “hợp đồng”, chúng không trực tiếp làm mà chuyển giao cho nhóm A, nhóm A lại giao cho nhóm B, C, D... Chính vì thế, lực lượng công an gặp không ít khó khăn khi bắt được những đối tượng “tốt đen”, bởi chúng không biết ngay cả người... ra lệnh.

“Thuê” hay “nhờ”mức xử lý như nhau!

Theo Công văn số 38 ngày 6-1-1976 của TAND Tối cao hướng dẫn về hành vi “đâm thuê, chém mướn” đây là hoạt động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự công cộng, sẵn sàng dùng vũ lực và thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình.

Chúng sẵn sàng vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác. Những kẻ “đâm thuê, chém mướn” là những tên côn đồ... Trên thực tế việc các đối tượng được nhờ, không phải thuê, hay trả tiền thì có gọi là côn đồ hay “đâm thuê, chém mướn”?

Luật sư Vũ Công Dũng - Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến cho biết: “Đâm thuê, chém mướn” là hành vi gây thương tích, gây hậu quả chết người... Đối tượng thực hiện hành vi “đâm thuê, chém mướn” gây hậu quả ở mức nào, tòa án sẽ xét xử tội danh ở mức đó. Thực tế, việc bị cáo được thuê hay được nhờ đều là hành vi “đâm thuê, chém mướn” và đều cấu thành tội phạm”.

Luật sư Nguyễn Thân - VP luật sư Hà Nội giải thích: “Cụm từ “đâm thuê, chém mướn” đã nói lên tất cả, mướn chính là nhờ. Như vậy, việc nhờ ai đó “xử lý” hộ một người nào đó cũng là hành vi côn đồ và mức độ xử lý tội đều như nhau”.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy - Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Thủy thì nói: “Nếu hành vi đâm thuê, chém mướn vì mục đích báo thù, thể hiện máu yêng hùng thì còn nghiêm trọng hơn vì có thêm tình tiết tăng nặng “Phạm tội vì động cơ đê hèn” theo điều 48 - BLHS”.

Như vậy, hành vi “đâm thuê, chém mướn” đều cấu thành tội phạm bất kể đối tượng thực hiện do được thuê hay được nhờ. Tùy mức độ phạm pháp dừng ở tội cố ý gây thương tích, giết người... và đối tượng là chủ mưu, đồng phạm tích cực, đồng phạm giản đơn... mà việc xét xử sẽ định khung hình phạt từ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng với mức phạt tù cao nhất có thể đến chung thân, tử hình. Đó cũng là bản án đích đáng dành cho loại tội phạm này. 

Quang Minh