Giá rét là “thước đo”

ANTĐ - Càng rét đậm, rét hại, rét dai dẳng, càng “phơi lộ” cái sự thừa và thiếu của xã hội. Cái thiếu và thừa muôn thuở, suy cho cùng vẫn quẩn quanh miếng cơm, manh áo.

- Những đợt rét tệ hại này, tưởng như cả núi quần áo rét, giày, mũ, “phụ tùng” chống rét từ khắp… châu lục đổ về nước ta. Từ trước cổng công viên đến các chợ vỉa hè lúc nào cũng chen chúc người mua kẻ bán.

- Trong khi đó, ở các tỉnh miền núi phía Bắc năm nào cũng có những chuyến xe, chở quần áo sưởi ấm vùng cao, mà vẫn chẳng thấm vào đâu. Trẻ con người già vẫn thiếu từng manh áo ấm.

- Quả là “người mặc không hết, người lần chẳng ra”. Ngay cả miếng ăn cũng vậy. Rét thì chóng đói, mà đã đói lại càng rét tợn. Những ngày rét này người thành phố vẫn ăn uống từ sáng đến thâu đêm. Chả bù cho miền núi, đến trâu bò còn chết rét, chết đói, nói gì tới con người.

- Nghe nói, trong những chuyến hàng từ thiện có cả mì ăn liền, bánh kẹo, gạo… Thôi thì một miếng khi đói…

- Suy cho cùng cũng chỉ là san sẻ, chia sẻ chứ không thể san bằng từ chỗ quá no nê, ấm cúng sang chỗ đói ăn, thiếu mặc. Cái hố sâu ngăn cách giàu nghèo e rằng ngày càng sâu hơn, rộng hơn, nhất là thời tiết khắc nghiệt này.

- Chẳng hóa ra giá rét là “thước đo” chuẩn xác nhất về sự phân hóa giàu nghèo? Bao giờ hết rét, hết mùa đông thì hết… giàu nghèo sao?