Giá nhà trọ tăng chóng mặt, tân sinh viên lao đao tìm nơi ở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nhiều trường đại học đã hoàn tất thủ tục nhập học cho các tân sinh viên và chuẩn bị vào năm học mới. Ngoài một số sinh viên may mắn được ở nhờ nhà người quen hoặc có tiêu chuẩn ở ký túc xá, vẫn còn hàng nghìn sinh viên ngoại tỉnh khác đang phải loay hoay tìm phòng trọ.

Giá tăng nhưng chất lượng không tăng

Giống như nhiều phụ huynh khác, khi biết tin con gái đủ điểm đỗ vào Học viện Ngân hàng (ở quận Đống Đa, Hà Nội), chị Lê Thu Hải ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vừa mừng, vừa lo. Chị mừng vì con đã đạt nguyên vọng song lại lo tìm chỗ trọ. Sau vài ngày lang thang khắp các ngõ ngách trên phố chùa Bộc và các phố lân cận để tìm nhà trọ, chị Hải và con gái vẫn không thể tìm được chỗ ở.

“Trung bình một phòng trọ có diện tích từ 20 - 25m2 có giá thuê từ 3,8 - 4 triệu đồng/ tháng, chưa kể tiền điện nước, phí vệ sinh, phí internet. Dù giá cao song người có nhu cầu thuê đông nên các chủ phòng trọ khá “chảnh”, họ yêu cầu người thuê phải nộp tiền từ 3 - 6 tháng/ lần chưa kể tiền đặt cọc.

Cực chẳng đã tôi phải đưa con gái sang nhà người quen ở quận Long Biên, cách trường khoảng 10km. Để di chuyển đến trường, ngày nào cháu cũng phải ra khỏi nhà từ 5h30 sáng chờ xe bus đi học nên khá vất vả, song không còn lựa chọn nào khác” - Chị Hải tâm sự.

Nhiều tân sinh viên vất vả tìm nhà trọ trước thềm năm học mới (ảnh minh họa)

Nhiều tân sinh viên vất vả tìm nhà trọ trước thềm năm học mới (ảnh minh họa)

Với tâm trạng tương tự, anh Lê Đình Lâm ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - người có con trai mới đỗ vào trường Đại học Bách Khoa chia sẻ, đã gần một tuần trôi qua hai bố con anh vẫn chưa tìm được chỗ “nương náu” ưng ý. Nơi sạch sẽ, an ninh đảm bảo và gần trường thì giá quá cao, phòng rẻ hơn thì nhà xập xệ, cũ nát, ẩm thấp.

Không những thế, anh Lâm còn bị mất 200.000 đưa cho “cò” phòng trọ nhưng đành bỏ của chạy lấy người vì nơi họ giới thiệu nằm sát mương nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc.

“Cuối cùng tôi phải nói khó với đứa cháu họ đang làm việc tại Hà Nội cho con tôi đến ở tạm vài tháng, khi tìm được nhà sẽ chuyển ra ngoài. Dù biết điều này là khá bất tiện với cả 2 bên nhưng trước mắt cũng đành vậy” - anh Lâm thở dài.

Khảo sát tại một số khu vực tập trung khá nhiều trường đại học như đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), đường Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)… chúng tôi được biết, giá nhà trọ đã rục rịch tăng cách đây khoảng vài tháng và tăng mạnh khi các trường ĐH đồng loạt thông báo điểm chuẩn. Mức tăng dao động từ vào trăm nghìn đến hàng triệu đồng/phòng tùy theo diện tích, trang thiết bị và vị trí của phòng trọ.

Ngoài các phòng trọ có giá từ 2 - 3 triệu đồng, hiện một số sinh viên còn tìm đến các chung cư mini thuê phòng khép kín với giá từ 4 - 6 triệu đồng/ phòng. Tuy vậy những căn phòng này chỉ phù hợp với số ít sinh viên có điều kiện.

Vô số bẫy lừa

Thực tế cho thấy, trong quá trình tìm thuê phòng trọ không ít tân sinh viên đã thuê phải phòng trọ “ảo” từ những thông tin hấp hẫn về giá cả và hình ảnh long lanh trên mạng. Dấu hiệu nhận biết của thủ đoạn này là thông tin cho thuê phòng trọ thường mơ hồ, sơ xài và không cụ thể...

Ngoài ra, một số đối tượng còn tìm mọi cách để chiếm đoạt tiền đặt cọc của người thuê nhà. Chúng tìm những căn phòng cho thuê đang trống, vắng chủ, đăng tin rao cho thuê giá rẻ rồi dẫn khách đi xem nhưng lấy lý do khách đang thuê đi vắng không vào xem được. Sau đó, yêu cầu khách đặt cọc một khoản tiền để giữ chỗ. Khách thuê do thấy số tiền đặt cọc không cao, phòng trọ lại đẹp nên dễ dàng đồng ý. Đến thời gian hẹn đàm phán thuê nhà thì số điện thoại liên hệ... ngoài vùng phủ sóng.

Bên cạnh đó, có chủ nhà trọ sau khi nhận được tiền đặt cọc lại bất ngờ tăng giá hoặc bổ sung thêm một loạt chi phí phát sinh khiến khách chỉ còn nước "bỏ của chạy lấy người" và mất oan tiền cọc.

Không chỉ có vậy, một số tân sinh viên còn có thể bị rơi vào “bẫy” ở ghép. Lợi dụng tâm lý muốn thuê phòng trọ tốt, không quá tốn kém nhiều kẻ xấu giả làm người cần ở ghép, rồi lợi dụng sơ hở cuỗm tài sản.

Để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, mỗi cá nhân khi thuê nhà trọ cần thận trọng với những thông tin mời chào hấp dẫn trên mạng xã hội. Trường hợp chủ phòng trọ yêu cầu tiền đặt cọc quá lớn, nên thuê cần tìm hiểu kỹ thông tin và chỉ đặt tiền khi thỏa thuận rõ ràng.

Điều quan trọng là trước khi ký hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng thuê nhà, bên thuê cần xem kỹ nội dung xem trong hợp đồng đã nêu rõ các khoản chi phí hàng tháng, tiền phát sinh, tiện ích dịch vụ được sử dụng chưa, ngoài những khoản phí này thì còn phát sinh khoản phí nào khác không?

Trong hợp đồng thuê cũng cần ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá, tỉ lệ tăng mỗi năm không quá bao nhiêu phần trăm, việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... do ai trả tiền" - Luật sư Thu nhấn mạnh.