Giá hàng nhập khẩu: Không lo tăng theo tỷ giá

ANTĐ - Từ ngày 7-1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD thêm 1%. Điều chỉnh này mang đến niềm vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu song lại gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Giá hàng nhập khẩu: Không lo tăng theo tỷ giá ảnh 1Doanh nghiệp xuất khẩu được lợi khi điều chỉnh tỷ giá VND/USD

Tin vui cho xuất khẩu

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên đánh giá, nâng tỷ giá là điều kiện tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt khoảng 20 triệu USD/năm. Khi tỷ giá tăng thêm 1%, doanh nghiệp sẽ có thêm 200.000 USD tăng thêm từ xuất khẩu. 

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn cũng chia sẻ, công ty có cơ hội được thêm 350.000 USD/năm nhờ tăng tỷ giá. Tính trung bình, doanh nghiệp này hiện đang xuất khẩu với kim ngạch 35 triệu USD/năm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực nông thủy sản cũng có chung niềm vui này. 

Theo ông Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính, nếu tỷ giá VND/USD tăng 1%, doanh thu xuất khẩu tính bằng USD sẽ tăng khoảng 1,22% sau 1-2 năm và nếu doanh thu xuất khẩu tăng 1%, doanh thu nhập khẩu sẽ tăng theo khoảng 0,7%. Hiện tại, Việt Nam đang xuất siêu gần 2 tỷ USD. “Quyết định tăng tỷ giá của NHNN không chỉ phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay mà còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu” - vị chuyên gia kinh tế này đánh giá. 

Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng 1% là phù hợp với diễn biến đồng USD tăng mạnh trong hoàn cảnh xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đồng tiền này. Mặt khác, mức độ nâng tỷ giá 1% gây ảnh hưởng không lớn tới nền kinh tế, nhất là trong thời điểm CPI đang thấp như hiện nay. 

Chưa ảnh hưởng lớn tới nhập khẩu

Trong cả năm 2015, NHNN dự kiến nới tỷ giá tổng cộng khoảng 2% nên đợt điều chỉnh này vẫn chưa hết dư địa. Tất nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thiệt hại khi đồng tiền trong nước bị mất giá. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty cổ phần phát triển sản phẩm Việt (chuyên nhập khẩu trái cây từ Mỹ, Canada…) cho biết: “Việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua không gây ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp bởi công ty luôn có quỹ dự trữ biến động tỷ giá 1%. Nếu mức điều chỉnh lớn hơn 1%, doanh nghiệp mới lo ngại hơn”.

Theo giám đốc điều hành một công ty thủy sản tại miền Bắc, sắp tới đơn vị này sẽ nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu về chế biến. Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá tất yếu khiến doanh nghiệp chịu thiệt thòi. Mức thiệt hại sẽ phụ thuộc vào khối lượng hàng nhập lớn đến đâu.

Vấn đề khiến người dân lo lắng là hiện tại đã bước vào dịp cuối năm, nếu tỷ giá tăng thì một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như: thực phẩm chế biến sẵn, nguyên liệu chế biến thực phẩm, bánh kẹo… sẽ tăng giá. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, về mặt lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ khiến giá hàng nhập khẩu tăng. Tuy  nhiên, do mức độ điều chỉnh tỷ giá không cao và sức mua trên thị trường vẫn thấp nên doanh nghiệp không thể tăng giá bán theo kiểu “té nước theo mưa”.

Đối với các doanh nghiệp phải nhập khẩu ở các lĩnh vực xăng dầu, dệt may, máy móc… việc điều chỉnh tỷ giá gây ảnh hưởng lớn hơn, bởi giá trị hàng nhập khẩu lớn. Dù vậy, việc điều chỉnh được thực hiện vào đầu năm nên các doanh nghiệp có thể chủ động hơn với việc nhập bao nhiêu hàng và tính toán phương án để giảm thiệt hại trong cả năm.