Giá dự kiến tăng của các dịch vụ y tế thường gặp

ANTĐ - Trong số 350 dịch vụ y tế được Bộ Y tế đề xuất tăng giá ngay trong giai đoạn 2011-2012, có những dịch vụ tăng nhiều, có dịch vụ tăng ít nhưng đa phần là những dịch vụ y tế phổ biến. Cụ thể về mức giá của một số dịch vụ y tế dự kiến tăng như sau:

Dịch vụ lấy dị vật thanh quản sẽ tăng giá khoảng 7 lần

Lĩnh vực khám lâm sàng chung, chuyên khoa, mức quy định hiện hành từ 2.000-3.000đ (tối thiểu - tối đa), mức dự kiến tăng từ 20.000-30.000đ; Khung giá ngày giường từ 2.500-18.000đ hiện nay tăng lên 10.000-240.000đ; Dịch vụ khám bệnh từ 500-3.000đ/lần tăng lên 6.000-25.000đ/lần; Chỉ phẫu thuật từ 1.000-2.000đ/sợi tăng lên 45.000-70.000đ/sợi...

Về các dịch vụ sinh đẻ, sản phụ khoa: Ca đẻ thường, mức quy định hiện hành là từ 50.000-150.000đ/ca (tối thiểu-tối đa), mức dự kiến tăng từ 130.000-300.000đ/ca; Ca đẻ khó dự kiến tăng từ 70.000-180.000đ/ca lên 80.000-350.000đ/ca; Đốt điện tử cung từ 10.000-20.000đ/lần lên 90.000-120.000đ/lần; Trích apxe tuyến vú từ 25.000-50.000đ/ca lên 100.000-150.000đ/ca

Các dịch vụ sinh thiết, phẫu thuật có mức dự kiến tăng cao nhất, trung bình tăng khoảng 10 lần, thậm chí có những dịch vụ tăng đến 30 lần. Cụ thể: Phẫu thuật vết thương phần mềm tổn thương nông từ 15.000-40.000đ/ca theo quy định hiện nay dự kiến sẽ tăng lên 100.000-145.000đ/ ca; Mổ quặm một mi từ 15.000-25.000đ/ca lên 350.000-450.000đ/ca; Cắt amidan từ 20.000-40.000đ/ca sẽ tăng lên 600.000-700.00đ/ca; Sinh thiết ruột từ 10.000-30.000đ/ca lên 300.000-350.000đ/ca; Sinh thiết màng phổi, màng hoạt dịch từ 10.000-30.000đ/ca lên 300.000-350.000đ/ca; Soi dạ dày sinh thiết và trực tràng sinh thiết tăng từ 10.000-30.000đ/ca hiện nay lên 300.000- 350.000đ; Soi phế quản, lấy dị vật hay sinh thiết tăng từ 25.000-75.000đ/ca lên 30.000-350.000đ/ca; Soi bàng quang lấy dị vật tăng từ 25.000-75.000đ/lần hiện nay lên 300.000-350.000đ/lần; đặc biệt sinh thiết tủy xương tăng đến 180 lần, từ 10.000-30.000đ/lần lên 1.800.000-2.000.000đ/lần.

Tương tự, các thủ thuật cũng có mức tăng cao từ 7-10 lần, thủ thuật tăng cao nhất đến 30 lần gồm: Lấy dị vật thanh quản từ 30.000-60.000đ/ca hiện nay dự kiến tăng lên 300.000-350.000đ/ca; Nắn, bó bột xương cánh tay tăng từ 25.000-50.000đ/ca lên 80.000-100.000đ (bột tự cán) và 230.000- 250.000đ (bột liền)/ca; Nắn trật khớp háng (bột tự cán) tăng từ 30.000- 75.000đ/ca lên 130.00-150.000đ/ca; Nắn trật khớp khủyu/khớp cổ chân tăng từ 15.00-40.000đ/ca lên 55.000-75.000 (bột tự cán) và 200.000-220.000 (bột liền)/ca; Cắt bỏ những u nhỏ, sẹo của da tăng từ 15.000-45.000đ/ca lên 100.000-170.000đ/ca; Lấy dị vật tai tăng từ 10.000-20.000đ/lần lên 200.000- 300.000đ/lần; Lấy dị vật mũi không gây mê tăng từ 10.000- 20.000đ/ lần lên 160.000-200.000đ/lần; Lấy dị vật thanh quản từ 30.000-60.000đ sẽ tăng lên 200.000-300.000đ/lần; Cắt polype mũi tăng từ 20.000-40.000đ/ca lên 200.000-300.000đ/ca…

Các dịch vụ khác như: Đo nhãn áp dự kiến tăng từ 2.000-4.000đ/lần hiện nay lên 6.000-10.000đ/lần; Đo nồng độ cồn trong nước tiểu tăng từ 10.000-30.000đ/ lần lên 250.000-290.000đ/lần;… Đặc biệt, dịch vụ chạy thận nhân tạo sẽ tăng từ 150.000-300.000đ/lần hiện nay lên 300.000-400.000đ/lần - đây là một trong những dịch vụ dự kiến điều chỉnh đang gặp phải sự phản đối quyết liệt nhất từ dư luận bởi thực tế hầu hết người bệnh phải chạy thận là người nghèo, thậm chí đã khánh kiệt. Dù có BHYT chi trả nhưng đa phần họ vẫn thuộc diện phải cùng chi trả 5%, mà với mức phí hiện nay họ đã không kham nổi, nếu tăng lên không biết họ có dám đi BV điều trị nữa không hay ngồi chờ… chết.

Lý giải về việc mức dự kiến điều chỉnh tăng nói trên, phía Bộ Y tế cho rằng, các dịch vụ hiện nay, nhất là các xét nghiệm chiếu, chụp và vật tư tiêu hao hóa chất đi kèm rất tốn kém vì giá cả các loại này đều rất đắt. Ví dụ với cắt amidan, trước đây chỉ 20.000-40.000đ, do kỹ thuật đơn giản, còn hiện nay hầu hết BV phải sử dụng kỹ thuật gây mê với chi phí rất cao nên qua tính toán tổng chi phí phải tăng lên khoảng 600.000-700.000đ/ca mới gọi là… tạm tính đủ. Cũng theo Bộ Y tế, cách tính mức điều chỉnh lần này vẫn kế thừa nguyên tắc thu một phần viện phí theo các chi phí trực tiếp như: tiền thuốc, dịch truyền máu, vật tư, hóa chất, tiền điện, nước, nhiên liệu, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp… không được thu những phần mà nhà nước đã hỗ trợ ngành y tế như xây dựng cơ bản, lương, khấu hao tài sản. Từ giai đoạn 2013 trở đi, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, sẽ thực hiện thu phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ. 

Dự kiến trong quý IV-2011 tới đây, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ về mức điều chỉnh cụ thể của 350 dịch vụ y tế và nếu được thông qua thì ngay từ năm 2012 sẽ triển khai thực hiện.

Giá tăng, chất lượng có tăng?

Theo tôi, cần đa dạng hoá các loại hình dịch vụ y tế cho các tầng lớp người dân khác nhau trong xã hội, từ đó giảm tải cho các bệnh viện ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương. Tôi cho rằng với mức tính mới, nếu Bộ Y tế không có những tính toán và chiến lược cụ thể thì những đối tượng có thu nhập thấp, những người nghèo và cận nghèo sẽ khó có khả năng tiếp cận với những loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao.
Vẫn biết việc thanh toán với mức phí thấp như hiện nay có thể dẫn đến tình huống bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm tiền hoặc bệnh viện không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh thực hiện ở cơ sở khác, làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT. Nhưng để việc tăng viện phí đi kèm với chất lượng, chúng ta nên có sự chuẩn bị.

Việc tăng viện phí là cần thiết nhưng cần phải có lộ trình và được tiến hành từng bước, không nên tăng hàng loạt dịch vụ vì như vậy sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo. Đối với những nước phát triển trước khi tiến hành tăng phí dịch vụ cho một loại hình dịch vụ nào đó, phải đầu tư trang thiết bị và chất lượng nguồn nhân lực cho loại dịch vụ đó. Khi tất cả những yếu tố đó được chuẩn bị một cách đầy đủ thì những người được hưởng lợi sẽ dễ dàng chấp nhận như một sự công bằng đó là dịch vụ và phí dịch vụ tỷ lệ thuận với nhau. Tôi rất mong, trước khi quyết định tăng viện phí, Bộ Y tế nên có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ càng về chất lượng dịch vụ để đảm bảo người dân mọi tầng lớp có thể hưởng lợi từ loại hình dịch vụ y tế tốt và đảm bảo nhất. Tránh tình trạng tăng phí nhưng chất lượng không tăng.

Ông Dương Ngọc Bảo (Cán bộ hưu trí - phường Ngọc Lâm,  quận Long Biên, Hà Nội)

Phải loại bỏ tệ “phong bì” vòi vĩnh, sách nhiễu

Tôi cho rằng với mức thu nhập quá khó khăn hiện nay thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tăng viện phí. Chính vì vậy, nếu có tăng thì cũng chỉ nên tăng một số dịch vụ và xét thấy có tính khả thi đối với người nông dân chúng tôi. Chúng tôi đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc đối với các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh, tránh tình trạng do đội ngũ y bác sỹ tại địa phương còn hạn chế về chuyên môn, phương tiện máy móc lạc hậu, thuốc men thiếu nên không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bà con, nhất là việc chữa trị một số căn bệnh nặng, buộc bà con phải về Hà Nội, gây tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương.

Nhân đây, chúng tôi cũng đề nghị ngành y tế có biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, kiên quyết loại bỏ tình trạng thầy thuốc và nhân viên bệnh viện vòi vĩnh, sách nhiễu bệnh nhân, phải chấm dứt nạn “phong bì” cho bác sỹ và y tá; Mặt khác, để những người dân tỉnh xa đến Hà Nội khám chữa bệnh thuận lợi và an toàn, các cơ quan chức năng cần dẹp những đối tượng “cò” chuyên mồi chài, lừa lọc bệnh nhân, nhất là tại các khoa khám bệnh. Người dân đã khốn đốn, vất vả vì từ xa đến Hà Nội nay gặp phải bọn cò mồi “trấn lột” tiền bạc nên càng lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn…

Nguyễn Thị Tuyết (Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)