Gia đình các nạn nhân thảm kịch Itaewon tìm kiếm trách nhiệm giải trình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tròn một tháng sau lễ hội Halloween chết chóc hôm 29-10 khiến 158 người thiệt mạng và 196 người khác bị thương ở khu vực Itaewon, Seoul, Hàn Quốc, rất nhiều người dân đã đến khu vực hiện trường tưởng niệm các nạn nhân, trong khi cuộc điều tra về vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Một nhóm điều tra đặc biệt của cảnh sát đang nhắm vào các quan chức bị nghi ngờ sơ suất nghiệp vụ dẫn đến sự cố nghiêm trọng. Hãng thông tấn Yonhap cho biết, nhóm điều tra dự kiến sẽ kết thúc thẩm vấn cựu Trưởng đồn cảnh sát quận Itaewon và các quan chức cấp cao khác trong tuần này. Một số người có thể bị bắt giữ. Trong số này, ông Kim Kwang-ho, Giám đốc Sở Cảnh sát Thủ đô Seoul, có khả năng cao sẽ bị chuyển thành nghi phạm khi Đội Điều tra đặc biệt mở rộng điều tra đối với lãnh đạo lực lượng cảnh sát.

Đảng Dân chủ cầm quyền đã lập luận rằng cuộc chiến chống ma túy gần đây có thể đã khiến cảnh sát mất tập trung vào vấn đề an toàn công cộng. Nhưng một số chuyên gia cho rằng cuộc trấn áp tội phạm ma túy không ảnh hưởng đến cách cảnh sát xử lý phản ứng ở Itaewon. Nghi vấn chính xoáy vào việc tại sao cảnh sát tại hiện trường đã trì hoãn báo cáo tình hình với cấp trên và không hành động ngay lập tức.

Thảm kịch trong lễ hội Halloween ở Seoul là bài học lớn về kiểm soát khủng hoảng đám đông nơi công cộng

Thảm kịch trong lễ hội Halloween ở Seoul là bài học lớn về kiểm soát khủng hoảng đám đông nơi công cộng

Mong mỏi công lý

Mặc dù đơn vị điều tra đặc biệt của cảnh sát được cho là đã huy động hơn 500 thành viên làm nhiệm vụ điều tra nhưng nhà chức trách vẫn chưa lý giải được tại sao tín hiệu về thảm kịch có thể xảy ra đã bị bỏ qua cũng như tại sao khoảng thời gian vàng để cứu người bị mất đi một cách đáng tiếc. Bài xã luận trên tờ Dong-A Ilbo cho biết, công tác điều tra chậm trễ chắc chắn đã dẫn đến việc chính phủ sẽ phải trì hoãn các bước tiếp theo, đó là nêu rõ nguyên nhân trực tiếp của vụ việc và trừng phạt người chịu trách nhiệm. Điều này cũng có nghĩa dân chúng sẽ mất dần sự kiên nhẫn khi không có ai chịu bất kỳ trách nhiệm nào về sự cố ở Itaewon. Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Lee Sang-min từ chối lời kêu gọi từ chức, nói rằng xử lý hậu quả là ưu tiên hàng đầu của ông. Park Hee-young, người đứng đầu Văn phòng quận Yongsan, đã thoái thác trách nhiệm của mình.

Phản ứng kém cỏi của các quan chức này đã dẫn đến việc các gia đình tang quyến tiếp tục yêu cầu chính phủ xin lỗi “chân thành” bất chấp lời xin lỗi lặp đi lặp lại của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Gia đình các nạn nhân thiệt mạng cũng đã đề nghị cộng đồng đoàn kết khi họ tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ chính phủ. Hãng Korea Herald đưa tin, trong một tuyên bố vào cuối ngày 28-11, các gia đình cho biết: “Đây là một thảm họa có thể được ngăn chặn dựa trên những sự thật được tiết lộ cho đến nay. Tuy nhiên, chính phủ không nhận trách nhiệm và tránh các câu trả lời”. Các gia đình nói rằng, họ không được thông báo chính xác thời điểm hay đặc điểm liên quan đến cái chết của người thân cũng như những biện pháp mà chính phủ dự định sẽ thực hiện. Họ lập luận rằng khoản bồi thường mà chính phủ đã hứa không nên đi trước các cuộc điều tra. “Không có số tiền nào có thể khiến 158 nạn nhân sống lại. Chúng tôi muốn ngăn chặn thảm họa như thế này xảy ra lần nữa. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang khao khát tìm công lý cho những cái chết oan uổng này”, nhóm gia đình nạn nhân cho biết.

Mâu thuẫn trong Quốc hội

Cùng với đó, một cuộc điều tra riêng biệt dự kiến sẽ được mở tại Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, đảng cầm quyền và đảng đối lập đã rơi vào một cuộc đấu tranh trong việc quyết định có nên để Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Lee Sang-min từ chức hay không. Đảng Dân chủ đối lập chính đang gia tăng áp lực lên chính quyền của Tổng thống yêu cầu sa thải Bộ trưởng Lee vì kém cỏi trong xử lý vụ việc.

Theo Yonhap News, các đề xuất bãi nhiệm các thành viên Nội các cần có sự đồng ý của ít nhất 2/3 Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát chiếm đa số. Các tổng thống có thể chọn từ chối đề xuất không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chỉ có 2 trong số 7 đề xuất như vậy đã bị từ chối trong lịch sử, với đề xuất gần đây nhất là vào tháng 9-2022.

Tám năm trước, Quốc hội Hàn Quốc cũng đã điều tra các vấn đề về hành chính liên quan đến thảm họa chìm phà ngày 16-4-2014 nhưng không có kết quả do xung đột chính trị gay gắt. Cuộc điều tra của quốc hội khác với các cuộc điều tra thông thường, vốn kết thúc bằng việc trừng phạt những người chịu trách nhiệm. Nó không chỉ nhằm tìm hiểu tận cùng thảm kịch, vén bức màn về những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó mà còn phải truy ngược lại toàn bộ quá trình cứu hộ để lý giải tại sao không thể ngăn chặn tai nạn và không thể cứu được nhiều mạng sống hơn, từ đó đưa ra các biện pháp để ngăn ngừa một vụ việc tương tự trong tương lai.