Hàn Quốc thấm thía bài học về quản lý đám đông sau thảm kịch ở Itaewon

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia về an toàn cho biết, công tác kiểm soát đám đông và giao thông của chính quyền Hàn Quốc nếu hợp lý hơn có thể ngăn chặn hoặc ít nhất hạn chế thương vong trong sự cố đám đông kẹt tại con hẻm dẫn đến ít nhất 156 người thiệt mạng và 151 người bị thương.
Điểm đặt hoa và nến tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng ở ga tàu điện ngầm Itaewon, Seoul, gần hiện trường vụ việc

Điểm đặt hoa và nến tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng ở ga tàu điện ngầm Itaewon, Seoul, gần hiện trường vụ việc

Các yếu tố dẫn đến thảm kịch

Các lễ hội hàng năm trong khu vực sống về đêm nổi tiếng Itaewon ở Seoul đều không có đơn vị đứng ra tổ chức, điều đó có nghĩa các cơ quan chính phủ không bắt buộc phải thiết lập hoặc thực thi các quy trình an toàn. Theo một thông cáo báo chí của quận Yongsan, nơi quản lý địa bàn Itaewon, chính quyền quận đã thảo luận về các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng ma túy bất hợp pháp và lây nhiễm Covid-19 trong dịp cuối tuần diễn ra lễ hội Halloween. Tuy nhiên, họ không đề cập đến việc kiểm soát đám đông.

Mặc dù, Hàn Quốc có sổ tay hướng dẫn an toàn cho các lễ hội dự kiến thu hút hơn 1.000 người, nhưng hướng dẫn này giả định một cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm lập kế hoạch an toàn và yêu cầu các nguồn lực của chính phủ. Chỉ 2 tuần trước đó, Lễ hội Làng Toàn cầu Itaewon do một hiệp hội du lịch tổ chức và được thành phố Seoul và quận Yongsan chấp thuận đã có những người mặc áo vest vàng phân luồng và con đường chính bị đóng cửa không cho ô tô lưu thông. Nhưng vào ngày 29-10, hàng nghìn cửa hàng mở cửa kinh doanh, ô tô lưu thông bình thường và hàng chục nghìn thanh niên háo hức ăn mừng lễ hội Halloween đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19.

Vào ngày 29-10 khi thảm kịch xảy ra, ước tính có khoảng 100.000 người đổ về Itaewon, khu vực có địa hình chủ yếu là những ngọn đồi và hẻm hẹp. Theo Seoul Metro, khoảng 81.573 lượt người đã xuống ga tàu điện ngầm Itaewon trong ngày, tăng so khoảng 23.800 lượt người một tuần trước đó và khoảng 35.950 vào ngày 28-10. Tuy nhiên, thành phố thừa nhận, chỉ có 137 cảnh sát ở Itaewon vào thời điểm đó. Ngược lại, các cuộc tuần hành của liên đoàn lao động và những người ủng hộ Tổng thống Yoon Suk-yeol thu hút hàng chục nghìn người ở Gwanghwamun, trung tâm Seoul, vào cùng ngày 29-10, có tới 4.000 cảnh sát đã được triển khai.

Giáo sư Kwak Dae-kyung tại trường Cao đẳng Cảnh sát và Tư pháp Hình sự thuộc Đại học Dongguk cho biết, việc thiếu vai trò cảnh sát và người của chính quyền đã làm trầm trọng thêm tình hình. “Nhiều cảnh sát không có kinh nghiệm trong việc kiểm soát quần chúng. Cảnh sát lẽ ra phải đóng vai trò quản lý và giải tán đám đông tại hiện trường. Đáng tiếc là đã thiếu chuẩn bị”, ông Kwak Dae-kyung nói.

“Cảnh sát hiện đang phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân vụ việc”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và An toàn Lee Sang-min cho biết hôm 31-10. “Sẽ không thích hợp nếu đưa ra kết luận vội vàng trước khi xác định nguyên nhân chính xác, cho dù đó là do thiếu cảnh sát hay liệu có điều gì đó mà chúng ta nên thay đổi cơ bản cho các cuộc biểu tình và tụ tập”, Lee Sang-min nói.

Tăng cường các biện pháp quản lý đám đông

Ông Paek Seung-joo, Giáo sư về phòng cháy và chống thiên tai tại Đại học Open Cyber của Hàn Quốc cho biết: “Chỉ vì nó không được đặt tên là “lễ hội” không có nghĩa sẽ có bất kỳ sự khác biệt nào về quản lý thiên tai. Mỗi cơ quan chính phủ chỉ làm nhiệm vụ riêng rẽ: sở cứu hỏa phòng ngừa hỏa hoạn và cảnh sát phòng chống tội phạm. Cần có một hệ thống mà chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng khác để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.

Chỉ ra cách ứng phó trong tình huống đám đông quá tải, Giáo sư Choi Don-mook tại khoa Kỹ thuật chữa cháy thuộc Đại học Gachon cho rằng: “Khi nhiều người tụ tập tăng lên đột biến như vậy, giao thông phải ngừng lại. Nhà chức trách có thể kiểm tra camera quan sát hoặc thậm chí sử dụng máy bay không người lái để thực hiện phân luồng giao thông cần thiết”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 1-11 thừa nhận rằng, thảm kịch ở Itaewon đã cho thấy rõ tầm quan trọng của việc quản lý và kiểm soát tai nạn đám đông, hay còn gọi là “quản lý đám đông”. Chủ trì cuộc họp nội các vào sáng cùng ngày, ông Yoon Suk-yeol ra lệnh cho các quan chức đưa ra các biện pháp cơ bản để ngăn chặn các sự cố tương tự: “Không thể bảo vệ hoàn toàn tính mạng và sự an toàn của người dân thông qua các phản ứng mang tính quán tính hoặc kiểm tra chiếu lệ. Cần phải thực hiện các biện pháp an toàn nhất định để quản lý đám đông không chỉ ở nơi xảy ra thảm kịch này mà còn ở các sân vận động, nơi biểu diễn tụ tập đông người”.

Thủ tướng Han Duck-soo cho biết, không chỉ tang quyến đau buồn trước vụ tai nạn bất ngờ mà nhiều người dân có mặt tại hiện trường hoặc chứng kiến thông tin này đều bị sốc về tinh thần. Chính phủ và các chuyên gia đã kêu gọi mọi người kiềm chế phát tán và xem những hình ảnh về vụ việc.