Giá điện oằn vai người thuê trọ

ANTĐ - Mặc dù đã có quy định về việc cho người thuê nhà được hưởng mức giá gốc từ các đơn vị bán điện nhưng trên thực tế, số lượng người thuê nhà được hưởng mức giá này là rất nhỏ.

Sinh viên thuê trọ điêu đứng với giá điện 3.500 - 4.000 đồng/số

3.500 đồng - 5.000 đồng là mức giá mà người thuê trọ hiện phải trả cho 1 kWh. Trước khi giá điện được điều chỉnh, người thuê nhà phải chịu mức giá từ 3.000 - 4.500 đồng/kWh. Như vậy, hiện nay mỗi kWh điện được các chủ nhà trọ tăng thêm từ 500 - 1.000 đồng. Đây cũng là mức giá chung ở những khu vực có nhiều nhà trọ như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai… Phần lớn đối tượng phải chịu mức giá này là sinh viên và công nhân lao động ngoại tỉnh. 

Bùi Thị Thu Anh (SV năm 3, Đại học Thăng Long Hà Nội) cho biết: “Em thuê nhà tại khu Kim Giang, sau đợt tăng giá điện vừa qua, chủ nhà thu thêm 500 đồng/số điện, mức giá hiện tại em phải trả là 4.500 đồng/số. Ngày trước tiền điện mỗi tháng khoảng 90.000 - 120.000 đồng, còn bây giờ dù đã hạn chế sử dụng các thiết bị điện nhưng mỗi tháng em cũng mất khoảng 120.000 - 150.000 đồng tiền điện, chưa kể tiền nước, vệ sinh, an ninh… ”.

Chị Dương Thị Thúy, chủ nhà trọ tại tổ 26, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai cho biết: người thuê trọ tại nhà chị đa phần là công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy. Giá điện chị áp dụng là 3.500 đồng/kWh. Theo chị Thúy, đây là mức giá bình dân nhất ở khu vực này, các hộ khác đều thu từ 4.000 - 4.500 đồng/kWh, thậm chí có hộ còn thu đến 5.000 đồng/kWh. Theo quyết định của Bộ Công Thương, giá điện được điều chỉnh tăng 5%. Tuy nhiên, với mức giá mà các chủ nhà áp dụng với người thuê như thế này thì mức tăng có thể lên đến 20% khi mà mỗi tháng người thuê nhà phải trả thêm từ 30 - 50 nghìn đồng tiền điện so với trước đây.

Không những phải chịu giá điện cao hơn giá gốc, nhiều người thuê nhà trọ lại chịu mức giá điện tính theo số lũy tiến cuối. Tính theo đồng hồ điện, những số đầu có giá rẻ hơn thì chủ nhà trọ hưởng, còn lại những số cuối giá đắt hơn thì “bổ đầu” người thuê. Theo cách tính này, một số điện có thể được tính lên gần 6.000 đồng. Anh Đàm Truyền Đạt, 23 tuổi, (Bắc Giang) công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy chia sẻ: “Lương, phụ cấp công nhân chúng tôi từ lâu không tăng, chỉ được khoảng 3 triệu đồng/tháng, trả tiền thuê nhà, ăn uống cũng tốn đến gần 2 triệu đồng, điện nước thì cứ vài tháng lại thấy tăng giá nên tôi phải chi tiêu tiết kiệm hết mức mới đủ sống”. Như vậy hàng tháng, ngoài tiền nhà trọ, các chủ nhà còn kinh doanh thêm cả tiền điện, tiền nước. Trong khi đó, sinh viên hay công nhân là những đối tượng eo hẹp về kinh tế lại chịu thêm gánh nặng. 

Mặc dù đã có quy định về việc cho người thuê nhà được hưởng mức giá gốc từ các đơn vị bán điện nhưng trên thực tế, số lượng người thuê nhà được hưởng mức giá này là rất nhỏ. Hầu hết các khu nhà trọ hiện nay đều thu tiền điện theo mức “khoán”. Dù họ có tạo điều kiện để người thuê được mua điện trực tiếp thì người thuê nhà cũng tỏ ra thụ động.

 Thông tư 17-2012 của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, để được mua điện trực tiếp thì cứ 4 người thuê nhà sẽ được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh vấn đề về việc sử dụng điện ít hay nhiều và việc chia tiền điện thế nào cho hợp lí giữa những người thuê. Ngoài ra người thuê nhà thường không thuê cố định một chỗ nên việc lắp công tơ điện cũng gây nhiều bất cập và khó khăn. Chính vì vậy, cả người thuê  lẫn chủ nhà đều đơn giản hóa việc mua - bán điện bằng cách thu theo mức “khoán”. Chủ nhà trọ sẽ mua điện theo giá bậc thang và người thuê nhà vẫn phải chịu mức giá cao hơn nhiều so với giá gốc. 

Căn cứ Nghị định số 68/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, nếu chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn so với quy định sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể:

- Phạt tiền đơn vị bán lẻ điện từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định.

- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng với hành vi tự ý bán điện cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.