
Hành khách bị chậm chuyến ngồi vạ vật đợi ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh)
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ chậm hủy chuyến của các hãng rất cao, khoảng 20%, trong khi cùng kỳ năm 2013 chỉ khoảng 15%. Ví dụ như chuyến bay của Jetstar Pecific Airlines (JPA) xuất phát từ Cam Ranh sáng qua chậm tới 8 tiếng đồng hồ. Theo lịch, tàu bay cất cánh vào lúc 11h trưa nhưng đến 19h30 tối mới cất cánh.
Nguyên nhân chủ quan của toàn ngành hàng không dẫn tới tình trạng này chiếm đến 80-90%. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, tỷ lệ hủy chuyến này là khá cao. Tuy vậy, so với một số nước như Lào, Campuchia, tỷ lệ hủy chuyến của Việt Nam vẫn thấp hơn!.
Ông Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Tại sao không so sánh với chính mình. Năm 2013 nhiều khó khăn hơn, năm nay máy bay thừa, điều kiện sân bay tốt hơn tại sao tỷ lệ hủy chậm chuyến lại tăng? Ông Thanh (Lại Xuân Thanh- PV) chưa nhận ra được khuyết điểm của mình và ngành Hàng không thì chưa thể có giải pháp được. So sánh phải nhìn lên, thấy người ta hơn mà học hỏi. Còn, một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà ông (Lại Xuân Thanh) vẫn vui vẻ, vô cảm thì còn chậm còn hủy và rồi hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm”.
Mặc dù được Bộ trưởng Đinh La Thanh yêu cầu đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến chậm hủy chuyến nhưng ông Thanh cho biết, cục Hàng không Việt Nam chưa đi sâu vào nguyên nhân chậm hủy chuyến để có khuyến cáo và yêu cầu các hãng, giờ mới bắt đầu khởi động.
“Từ đó cho thấy, anh chưa nghĩ được hết trách nhiệm của mình, luôn luôn có tư tưởng chê trách mấy hãng hàng không mà không nghĩ được họ kinh doanh phải lăn lộn như thế nào. Các anh phải nhảy vào cùng với doanh nghiệp mới biết được. Cứ ngồi trên bờ rồi bảo doanh nghiệp bơi đi, họ không bơi được thì bảo lỗi tại doanh nghiệp”, ông Thăng gay gắt.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, tư duy quản lý Nhà nước hiện còn theo kiểu đá bóng. “Đầu tiên ông Thanh phải nhận trách nhiệm của mình đến đâu, trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam đến đâu. Giải pháp đầu tiên để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện Cục Hàng không Việt Nam, đây là giải pháp số một. Có Cục Hàng không mà từ giá cả một bát mỳ tôm ở sân bay cũng phải đến Bộ trưởng giải quyết, vậy Cục Hàng không làm gì?"
Giảm 80-90% tỷ lệ chậm hủy chuyến vào cuối năm
Tại cuộc họp này, đại diện các hãng hàng không cam kết, sẽ giảm tỷ lệ chậm hủy chuyến ngay trong năm nay.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc JPA cho biết, hãng này hiện khai thác 6 tàu bay, quy mô nhỏ nên ảnh hưởng đến sự chậm hủy chuyến. Cuối năm nay, hãng sẽ nâng quy mô đội bay lên 10 chiếc, sẽ giảm 85% tỷ lệ chậm hủy chuyến vào cuối năm.
Là một hãng hàng không giá rẻ, mới trẻ, Vietjet Airlines (VJA) dù đang sở hữu đội tàu bay 15 chiếc nhưng tỷ lệ hủy chậm chuyến đang dẫn đầu. Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VJA bày tỏ: "Thay mặt hãng hàng không, VJA xin nhận trách nhiệm về mình, chúng tôi sẽ tìm mọi biện pháp để khắc phục tình trạng chậm hủy chuyến trong thời gian tới".
Theo đó, đại diện VJA cam kết, vào tháng 7-8 sẽ giảm 50% tỷ lệ số chuyến bay chậm hủy chuyến, đến tháng 9-2014 sẽ giảm 95% tỷ lệ chậm hủy chuyến.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tất cả các hãng hàng không phải nhận thức được rằng, dù là hãng nào đều mang thương hiệu hàng không Việt Nam, đều phải thấy xấu hổ khi tình trạng chậm hủy chuyến gia tăng. Còn vô cảm, còn bàng quan, còn đổ lỗi trách nhiệm thì không thể khắc phục được. Theo ông Thăng, lỗi lớn nhất tồn tại trong ngành hàng không hiện nay là luôn cho rằng “tôi không có lỗi gì mà là lỗi người khác”.
Do đó, ông Thăng yêu cầu từ Vụ Vận tải, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Cục Hàng không, các Tổng công ty cảng hàng không, Tổng công ty quản lý bay, Cảng vụ sân bay đến các hãng hàng không đều phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình trong việc chậm hủy chuyến.
“Phải xem việc chậm hủy chuyến là lỗi chung của cả ngành, là sự xấu hổ của toàn ngành GTVT”.