Ghi ở đại công trường
Kỳ 1: Tri ân dòng sông
(ANTĐ) - Thêm một công trình kỷ lục nữa mọc trên sông Đà hung dữ. Vậy là lần thứ 2 trong lịch sử, con sông dữ dằn và những con thác dốc đứng hung hiểm đã phải làm việc theo ý của con người.
Kỹ sư Đinh Văn Tùng (bên phải) trước giờ vào ca |
Chuyện khó tưởng tượng ở Tạ Bú
Chuyện có thật nhưng mang đầy màu sắc kỳ bí ở Tạ Bú, huyện Mường La - nơi công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam á đang dần hình thành trên dòng sông Đà.
Chuyện ngăn sông Đà những năm 1980 là vô cùng khó khăn và đã phải nhờ nước bạn Liên Xô giúp đỡ. Vậy mà nay, bằng chính bàn tay và trí tuệ Việt Nam, một công trình kỷ lục trên sông Đà đang được mọc lên giữa dòng thác dữ. |
Đồng bào dân tộc La Ha, dân số không đông, chủ yếu sống ở ven sông vùng Tây Bắc, đặc biệt là khu vực Mường La. Văn hóa của bà con dân tộc La Ha được cho là đơn giản nhất ở lễ hội nhưng vẫn mang đặc trưng tiêu biểu, mang hàm ý sâu xa. Lễ hội “Dâng hoa măng” (Pang A Nụu ban) được hình thành từ thực tiễn khó khăn, được tổ chức vào mùa xuân khi cây măng vầu đội đất mọc lên, khi cây gấm quạch trong rừng nở hoa vàng, hoa đỏ. Đồng bào La Ha cho rằng 2 loại cây này là dược liệu quý mà các thầy lang dùng để cứu chữa cho dân bản. Từ đó, dân bản ở đây tránh được tà ma bệnh tật nơi thâm sơn chướng khí.
Chẳng biết câu chuyện thực hư thế nào nhưng ông Cà Văn Liêu, 68 tuổi ở xã Tạ Bú vẫn muốn đóng góp một phần sức mình cho công trình to lớn này. Có người bảo ông Liêu bị quỷ trên sông Đà ám. Người khác lại nói ông bị thần rừng bủa trách. Từ năm 2002 đến nay, bất kể trời nắng hay mưa, ông Liêu cũng lặn lội vào công trường đứng xem sự đổi thay của công trình. Ông đếm cặn kẽ từng chiếc ôtô, máy xúc hoạt động trên công trường. Công nhân trở nên quen mặt ông.
Theo tập tục của người La Ha, để tỏ lòng cảm tạ, tri ân thiên nhiên, họ đều làm những việc cụ thể. Con ngựa mẹ sinh ra ngựa con hay việc dẫn nước lên ruộng bậc thang đều là chuyện tự nhiên, nhưng đối với đồng bào La Ha việc mọi thuận lợi không phải tự nhiên mà có, cho nên cần phải cảm tạ trời đất.
Đối với ông Liêu, có một công trình hùng vĩ, như dãy núi trên đỉnh đèo Cao Pha (con đèo trên đường vào Mường La), chắn ngang con sông Đà dữ dằn như thế phải được thần sông, thần núi trợ giúp. Chính ông cũng không thể tưởng tượng nổi từ nay cái công trình phát ra nguồn điện thắp sáng cho cả nước nó ở ngay gần bản mình. Mình nhìn thấy hẳn hoi chứ không phải thấy qua màn hình vô tuyến nhiễu loằng nhoằng, hoa cả mắt. Đấy! Nó ầm ầm tiếng máy xúc đang hì hục khoét núi chặn dòng. ồ! Cái người dưới xuôi nó giỏi thật. Cái sông lớn mạnh như thế, nước chảy ầm ào làm sập cả nhà, mất cả nương, lở núi mà nó ngăn được dòng nước đứng lại, thích cho chảy thế nào cũng được. Đã có nhiều bà con trầm trồ như vậy khi chính mắt nhìn thấy các công nhân đổ đất đá, bê tông chặn ngang dòng nước sông Đà.
Từ bản làng đến phố
Ánh sáng công trường |
Từ năm 2002, công trình Thủy điện Sơn La khởi công, thị trấn Mường La, xã Tạ Bú, Mường Bú... cứ nhộn nhịp như lễ hội dâng hoa măng của bà con dân tộc La Ha. Trung tâm thị trấn Mường La trở nên sầm uất, và xã Tạ Bú nằm cách công trình gần 20 cây số cũng chả kém. Cửa hàng thời trang, gội đầu, cà phê, karaoke, internet... đua nhau trưng biển mời gọi. Trước đây, trung tâm xã Tạ Bú là rừng là núi, ngày thì buồn thiu như trên nương qua vụ, không một bóng người, đêm buông thì khỉ hót, cú kêu hoang vu đến rợn người.
Hôm tôi đi qua xã Tạ Bú để vào công trường Thủy điện Sơn La viết về những người thợ đang cống hiến sức trẻ cho dòng điện ngày mai, tiếng nhạc xập xình, người qua lại đông vui. Những đứa trẻ mặc quần áo sặc sỡ, xập xoèng khuy áo bạc ngồi trước màn hình máy vi tính đọc báo mạng, “chát” toanh toách với bạn dưới xuôi. Những đổi thay ấy, sẽ còn nhiều chục năm nữa mới có, nếu ở đây không phải là công trình thế kỷ - Thủy điện Sơn La...
Không phải riêng ông Liêu, có lẽ, việc tri ân cần lắm đối với mỗi con người. Cái đổi thay hôm nay ở Tạ Bú, cho Mường La, cho vùng đất nơi ông đang sinh sống sẽ không phải dùng cái tua bin cho nước chảy qua phát ra ánh sáng đỏ như đom đóm đêm rừng sa mộc. Ông không kể, cũng không nói với tôi vì sao ông ra bờ sông Đà mãi như thế. Chỉ đến khi Đinh Văn Tùng, 27 tuổi, quê Ba Vì, Hà Tây cho biết, tôi mới hiểu. Thì ra, ông muốn giữ bản sắc của dân tộc mình bằng cách riêng. Đó là tri ân dòng sông. Tri ân người khai phá. Tri ân người làm đổi thay cuộc sống nơi ông ở.
Giữa trưa nắng như trút lửa, công trường là nơi hun đúc sức trẻ. Cách đây một năm, Đinh Văn Tùng bị cảm nắng giữa lúc chuẩn bị kết thúc hạng mục ngăn sông. Tùng đã nằm bẹp 2 hôm trước khi được ông Liêu cứu giúp. Biết tin có người bị cảm nắng, bằng kinh nghiệm trải nắng, phơi sương, ông Liêu đã lấy lá rừng chắt cho Tùng uống giảm sốt. Đến nay, những công nhân trên công trường đã biết “thầy lang” Cà Văn Liêu. ít nhất cũng có 5 công nhân được ông làm cho khỏe trở lại để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho công trình thủy điện. Ông không nói nhưng ai cũng hiểu ông làm vì lẽ sống.
Công trường đang ngày đêm ầm ào, rực ánh sáng máy hàn xì, khoan phá... Những kỹ sư, công nhân vẫn ngày đêm xuống hầm để đến khi hết ca cũng là lúc mặt trời phơi rực dãy núi. Vì dòng điện ngày mai để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những kỹ sư, công nhân đang miệt mài trên dòng sông Đà ở bến Mường La.
Đến nay, ít nhất cũng đã qua 5 mùa lễ hội dâng hoa măng, những chàng trai - kỹ sư từ Thủ đô Hà Nội đã quen với núi rừng Tây Bắc, với dòng sông Đà. Trong đó hầu hết là những thanh niên trẻ khỏe, vừa tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, Thủy lợi, Bách khoa... tình nguyện lên Tây Bắc để rèn luyện, cống hiến tuổi trẻ. Lại sắp đến mùa dâng hoa măng nữa, ông Liêu vẫn tỏ lòng tri ân bằng cách riêng của mình. Những người thợ, kỹ sư công trình mai này lại tiếp tục đi xây niềm vui mới khi công trình Thủy điện Sơn La bừng ánh sáng từ nguồn năng lượng sông Đà. Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha vẫn sẽ tồn tại mãi mãi để cảm tạ, tri ân trời đất, núi sông. Một phong tục đậm nét văn hóa.
Nguyễn Đức Tuấn
Kỳ sau: Những kỹ sư Hà Nội trên đại công trường