Gãy cành chặt cả cây

ANTĐ - “Lấy lý do cây gãy, đổ, gây mất an toàn trong mùa mưa bão, một số nhân viên của đơn vị quản lý cây xanh đã chặt bỏ 2 cây muồng có tuổi thọ hàng chục năm tại số 150 phố Lê Trọng Tấn, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực”… Đó là thông tin mà Đường dây nóng Báo ANTĐ nhận được từ những người dân sống tại tổ 23, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Hai gốc cây muồng sau khi đã bị chặt trước cửa số nhà 150 phố Lê Trọng Tấn


Phố trơ trụi vì cây bị đốn

Theo bà L.T.H - một người sống tại khu vực, trong những ngày mưa bão vừa qua, hai cây muồng ở trước cửa số nhà 150 phố Lê Trọng Tấn có một cây gãy ngọn, một cây bị gãy cành song phần gốc và thân không bị ảnh hưởng gì. Tuy vậy, sau khi bão tan, một số người tự xưng là cán bộ đơn vị quản lý cây xanh đến tỉa cành một cây, rồi dùng máy cưa cây còn lại. Và không hiểu vì lý do gì, cây bị tỉa cành họ cũng cưa nốt. Vì gốc cây khá to nên dù đã đào xới tung cả vỉa hè song đến chiều 23-8 việc đào gốc hai cây xanh này vẫn chưa hoàn thành. Đây là những cây lâu năm có tán rộng, che mát và điều hòa không khí cho hàng chục hộ dân khu vực lân cận. “Đành rằng cây gãy, đổ không phát triển được phải cắt bỏ là đương nhiên và người dân hoàn toàn ủng hộ việc làm này, nhưng với những cây còn khả năng sống mà nỡ cưa đi thì lãng phí quá. Từ hôm hai cây muồng bị chặt hạ, hè phố trơ trụi, bụi mù khiến không ít người dân bức xúc. Chưa kể đến việc đào bới bừa bãi trên vỉa hè khiến việc đi lại của khách bộ hành gặp nhiều khó khăn” - bà H than phiền.

Có mặt tại khu vực trên chiều 23-8, chúng tôi thấy toàn bộ phần thân và lá của 2 cây muồng này được dọn sạch, chỉ còn trơ trụi 2 gốc cây đang đào dở với đường kính rộng khoảng 20-30cm. Đoạn vỉa hè quanh khu vực 2 gốc cây này đã bị xới tung, đất đá ngổn ngang song không có bất cứ cá nhân, đơn vị nào đứng ra thu dọn. Do vậy, một số người đi bộ khi đi đến đoạn đường này buộc phải vòng xuống lòng đường. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi ngay sát gốc cây thứ nhất đã bị chặt là một điểm dừng đỗ đón trả khách của xe buýt. 

Sẽ trồng cây thay thế ?

... để lại phần vỉa hè nham nhở

Để có thông tin đầy đủ về sự việc, chiều 24-8, phóng viên ANTĐ đã trao đổi với bà Vương Thị Mai Hương - Phó Tổng Giám đốc - Công ty cổ phần thương mại Công nghệ Bình Minh (CPTMCN) - đơn vị chặt hạ hai cây xanh trên. Theo bà Hương, sau khi bão tan, tại cuộc họp với các ban ngành liên quan, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng giải phóng mặt bằng những khu vực có cây bị gãy đổ để đảm bảo an toàn giao thông. Dù không phải đơn vị có nhiệm vụ quản lý cây xanh trên địa bàn phường Khương Mai, quận Thanh Xuân nhưng Công ty CPTMCN Bình Minh lại được thành phố giao trách nhiệm phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh xử lý, chặt hạ những cây gãy đổ sau bão. Do việc xử lý này cần được tiến hành nhanh chóng nên không tuân theo thủ tục thông thường là phải xin Giấy phép của Sở Xây dựng. 

Cũng theo bà Hương, sau khi nhận được văn bản này, Công ty CPTMCN Bình Minh đã cử nhân viên xuống hiện trường kiểm tra hiện trạng và đề xuất biện pháp xử lý. Sau khi được báo cáo, công ty đã đồng ý  chặt hạ 2 cây muồng này với lý do gãy ngọn, gãy cành và mối mọt, gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại và sinh sống ở khu vực này. 

Điều đáng nói là trong Công văn số 104 ngày 20-8 gửi UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng của Công ty CP TMCN Bình Minh phần Phụ lục lại ghi rõ: Tại vị trí trước nhà 150 phố Lê Trọng Tấn có 2 cây muồng, đường kính 21-23cm, hiện trạng: 1 cây gãy ngang thân  - biện pháp xử lý: chặt hạ, 1 cây gãy cành - biện pháp xử lý: chặt sửa. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cả hai cây muồng này đã bị cưa đến tận gốc.

Lý giải về điều này bà Hương cho biết: “Có thể trong quá trình chặt hạ cây bị gãy ngọn, cành, tán cây muồng còn lại cũng bị ảnh hưởng, không thể sống được nên nhân viên công ty đã chặt hạ nốt. Sau khi việc chặt hạ cây hoàn thành, công ty sẽ có trách nhiệm hoàn trả vỉa hè như ban đầu. Hai cây mới sẽ được trồng lại tại vị trí cây cũ song trồng cây gì, vào thời điểm nào thì phải chờ cơ quan chức năng nghiên cứu, quyết định”.

Rõ ràng, những bức xúc của người dân trên phố Lê Trọng Tấn về việc chặt hạ 2 cây muồng là có căn cứ. Để đảm bảo cảnh quan, môi trường tại khu vực này, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng cho trồng cây thay thế, hoàn trả vỉa hè để người dân đi lại được thuận tiện.