Gặp lại người thân sau hàng chục năm nhờ dữ liệu dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một cụ bà 66 tuổi mang quốc tịch Mỹ đã tìm thấy gia đình thất lạc ở Việt Nam, một người phụ nữ 59 tuổi tìm thấy chị em sinh đôi… Những câu chuyện yêu thương ấy có được là nhờ… dữ liệu dân cư.

Tối 14-11, cả gia đình bà Phạm Thị Minh, 66 tuổi, quốc tịch Mỹ, đã được đoàn tụ cùng gia đình người em trai là ông Phạm Văn Dung ở Việt Nam sau 47 năm xa cách tại chính trụ sở Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Những CBCS Công an huyện Lộc Ninh chụp chung trong bức ảnh đáng quý ấy chính là những ân nhân, cầu nối để 2 gia đình ở 2 bán cầu tìm thấy nhau sau 47 năm thất lạc.

Ông Phạm Văn Dung và bà Phạm Thị Minh

Ông Phạm Văn Dung và bà Phạm Thị Minh

Năm 19 tuổi, cha mẹ mất, bà Phạm Thị Minh sang Mỹ theo diện con lai. Em trai bà là ông Phạm Văn Dung sống cùng người quen ở TP.HCM. Sau khi sang Mỹ, bà Minh mất liên lạc với ông Dung, nhiều lần cố gắng liên lạc nhưng không có kết quả.

Chiều 14/11, người thân đưa bà Minh đến Công an huyện Lộc Ninh nhờ tìm kiếm thông tin ông Dung. Bà Minh chỉ cung cấp được thông tin "Phạm Văn Dung, sinh năm 1961 và gia đình từ xưa sống ở Lộc Ninh, Bình Long". Từ thông tin sơ khai này, các CBCS CAH Lộc Ninh đã đi sâu phân tích, địa danh Lộc Ninh trước năm 1975 thuộc tỉnh Bình Long, sau 1975 thuộc tỉnh Sông Bé và bây giờ thuộc Bình Phước.

Hai gia đình đoàn tụ tại chính trụ sở CAH Lộc Ninh

Hai gia đình đoàn tụ tại chính trụ sở CAH Lộc Ninh

Các đội nghiệp vụ của Công an huyện Lộc Ninh đã góp nhặt những thông tin về người em qua lời kể của bà Minh. Sau khi đối chiếu thông tin, Công an huyện Lộc Ninh tìm được cái tên Phạm Văn Dung (sinh năm 1961, hộ khẩu ở ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) có các thông tin cá nhân trùng khớp. CAH Lộc Ninh đã liên lạc với ông Dung gặp lại bà Minh. Được biết trong nhiều năm qua, ông Minh cũng đi tìm chị gái mình.

Trước đó, vào tháng 5-2022 vừa qua, tại tỉnh Bình Định, khi Công an thị xã Hoài Nhơn tiếp nhận kết quả hồ sơ làm căn cước công dân từ hệ thống của Bộ trường hợp bà Mai Thị Bền, 59 tuổi, ở xã Hoài Châu Bắc bị dừng cấp căn cước công dân vì có gương mặt trùng khớp với bà C (đã được cấp căn cước công dân vào tháng 3-2022), hiện đang trú tại Phú Yên.

Công an thị xã Hoài Nhơn nhận định đây có thể là trường hợp hai chị em sinh đôi, và đã đến nhà bà Bền để xác minh; đồng thời phối hợp Công an xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên liên hệ với người còn lại. Kết quả cho thấy bà Bền và bà C là chị em sinh đôi.

Bà Bền và bà C là chị em sinh đôi bị thất lạc nên bà Bền không thể in CCCD do có nhiều điểm trùng khớp trên khuôn mặt

Bà Bền và bà C là chị em sinh đôi bị thất lạc nên bà Bền không thể in CCCD do có nhiều điểm trùng khớp trên khuôn mặt

Bà Bền thông tin, khi còn nhỏ, nhà nghèo phải đi làm thuê cho một gia đình ở Bình Định nhưng sau gia đình đó cũng khó khăn, bà muốn trở về nhà ở Phú Yên. Khi đi qua thị xã Tam Quan, do lạc đường nên bà được một người buôn bánh tráng mang về nuôi. Bà lập gia đình và vẫn không nguôi ý định tìm cha mẹ ruột và người chị sinh đôi nhưng do hoàn cảnh đã phải gác lại. Đến nay, bà thật vui mừng vì đã tìm lại được người thân nhờ dữ liệu dân cư.

Dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý. Những thông tin công dân được thu thập, gồm: họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, thường trú, tạm trú, tình trạng hôn nhân, nhóm máu, số định danh, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp...