Gặp gỡ song phương bên lề đang lấn át tại các hội nghị thượng đỉnh lớn

ANTD.VN - Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý và Canada sẽ gặp nhau tại thị trấn Biarritz của Pháp vào cuối tuần này để dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7. Nhưng với nhiều nguyên thủ, mục đích trọng tâm dường như sẽ là các cuộc gặp song phương bên lề...

Gặp gỡ song phương bên lề đang lấn át tại các hội nghị thượng đỉnh lớn ảnh 1Tại các hội nghị thượng đỉnh lớn gần đây, các cuộc gặp gỡ bên lề trở thành nội dung được quan tâm hơn cả sự kiện chính

Mục đích riêng trong hội nghị chung

Có một xu hướng đang có vẻ gia tăng, đó là các hội nghị thượng đỉnh lớn không còn là nơi các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng sẽ tạo ra sự đồng thuận quốc tế mà ngược lại, nó trở thành không gian gặp gỡ của những vị nguyên thủ đang tìm kiếm những thỏa thuận song phương quan trọng. Điển hình gần đây, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 diễn ra hồi tháng 6-2019 ở Osaka (Nhật Bản), thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tạm dừng cuộc chiến thương mại giữa đôi bên đã trở thành sự kiện nổi bật nhất. 

Tổng cộng, ông Trump đã có 10 cuộc gặp gỡ song phương ở Osaka, so với 8 cuộc năm 2018. Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh G-7, dấu ấn lớn nhất chính là cuộc gặp đình đám giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai người gặp nhau lần đầu tiên trong bối cảnh Nga bị cáo buộc gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 mà ông Trump giành chiến thắng.

Không chỉ có Tổng thống Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự 8 cuộc gặp song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Osaka, mặc dù con số đó “khiêm tốn” hơn nhiều so với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là 17 cuộc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là 19 cuộc. Đối với Ấn Độ, mục tiêu mà ông Modi tới Nhật Bản là cuộc gặp với ông Trump, người cũng đã phát động cuộc chiến thuế quan với New Delhi. 

Cũng trong tháng 6-2019, ông Tập Cận Bình đã đến Kyrgyzstan dự hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, bao gồm Trung Quốc, Nga, các nước cộng hòa Trung Á, Ấn Độ, Pakistan, sau đó tới Tajikistan dự hội nghị của một tổ chức khu vực khác. Nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui nói với các phóng viên rằng, quan hệ song phương với 2 nước chủ nhà là ưu tiên của ông Tập Cận Bình trong những chuyến đi đó.

Các cuộc họp song phương gia tăng nhanh tại những hội nghị thượng đỉnh lớn do tính chất xây dựng sự đồng thuận của các nhóm đa phương đang sụp đổ. Mặt khác, thực tế là quyết định “đình chiến” thương mại của 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung ở Osaka ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người hơn là tuyên bố chung được 20 quốc gia cùng chấp thuận. “Cơ chế đa phương hiện không hoạt động tốt như trước đây” - Giáo sư Hal Brand, chuyên gia về các vấn đề toàn cầu tại Đại học Johns Hopkins khẳng định.

Theo đuổi chủ nghĩa đơn phương 

Theo giới chuyên gia, với sự phát triển đơn phương của các quốc gia lớn, mục đích của các hội nghị thượng đỉnh hiện nay thường đi đến thất bại. Lấy ví dụ G-20, lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới họp thường niên kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 để xây dựng một phản ứng thống nhất trước khủng hoảng kinh tế.

Tại Osaka, Ấn Độ đã không nhất trí với điều khoản về chia sẻ dữ liệu trong tuyên bố chung của Hội nghị. Hoặc Hội nghị G-7 từng là tập hợp 8 nước lớn cho đến khi Nga bị loại ra ngoài sau khi sáp nhập Crimea. Nhóm G7 xác định, đó là hệ quả mà Nga phải chịu do theo đuổi chủ nghĩa đơn phương. Tuy nhiên, bức ảnh lan truyền khắp thế giới về Hội nghị Thượng đỉnh G-7 năm 2018 - khoảnh khắc các nhà lãnh đạo thế giới dường như “bất lực” trước một Donald Trump ngạo nghễ làm chủ “cuộc chơi” - đã phản ánh thực tế là nhiều nước khó lòng thuyết phục Tổng thống Mỹ chấm dứt cuộc chiến thuế quan đơn phương với nhiều quốc gia.

Một ví dụ khác chứng tỏ chủ nghĩa đơn phương đó đang lấn át, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á với thành viên là các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand tránh đề cập đến “tự do hàng hải”, cho dù họ đang muốn độc chiếm cả Biển Đông.

Mặc dù vậy, cũng có chuyên gia thận trọng khi đánh giá về các hội nghị thượng đỉnh đa phương. Nhà lãnh đạo các cường quốc lớn có thể làm xáo trộn trật tự quốc tế. Chính vì thế, những cuộc họp này trở nên quan trọng hơn bởi khi họp kín, ít nhất các nguyên thủ sẽ có nhận thức tốt hơn về quan điểm, sự khác biệt của đối phương. Vượt qua và tránh những hiểu lầm trong chính trị quốc tế là vô cùng quan trọng.

Có một xu hướng gia tăng gần đây, đó là các hội nghị thượng đỉnh lớn không còn là nơi các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng sẽ tạo ra sự đồng thuận quốc tế mà trở thành không gian gặp gỡ của những vị nguyên thủ đang tìm kiếm những thỏa thuận song phương quan trọng.