Gắng gượng sau hỏa hoạn

ANTĐ - Sau đám cháy thiêu rụi hàng chục ngôi nhà tại khu tập thể C8- phố Hàm Tử Quan, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm xảy ra sáng 26-8, hàng chục hộ dân đang phải gồng mình để thích ứng với cuộc sống mới cùng muôn vàn khốn khó…

Các hộ dân khu nhà C8 đến làm thủ tục nhận nhà tạm cư tại khu nhà 

tái định cư A2 Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội


Khó khăn chồng chất

Để đảm bảo ổn định đời sống và an toàn cho các hộ dân, UBND thành phố Hà Nội có công văn yêu cầu quận Hoàn Kiếm chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đẩy nhanh việc khảo sát, tổ chức di dời hộ dân đến nơi tạm cư. Sáng 28-8, có mặt tại khu tái định cư A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình đã đi mua một số vật dụng cần thiết đến nơi ở mới bởi hầu hết họ chẳng còn thứ tài sản nào có thể mang theo sau đám cháy kinh hoàng. “Đến bộ quần áo tôi đang mặc trên người cũng vừa được con gái mua cho tối qua, nói là chuyển đến nơi ở mới, nhưng có còn thứ gì đáng giá mà chuyển”, ông Nguyễn Văn Đài, 48 tuổi từng sống tại P10- C8, Hàm Tử Quan bùi ngùi. Theo vợ chồng ông Đài, so với căn nhà cũ, thì căn hộ tái định cư mà thành phố bố trí tạm thời có phần khang trang, rộng rãi hơn. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên các căn hộ ở đây đều bị xuống cấp. Song, theo ông Đài thì lúc này có chỗ chui ra, chui vào là may mắn lắm rồi. 

Hiện tại, vợ chồng ông Đài đã nghỉ hưu, căn nhà gỗ bị thiêu rụi cách đây vài hôm vừa được ông bà sửa sang cuối năm 2011. Vậy mà giờ đây mọi thứ chỉ là đám tro đen sì. “Chỉ có hai đêm mà tóc tôi đã bạc trắng vì chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu. Đành rằng còn người là còn của, nhưng giờ sức khoẻ cũng chẳng còn nhiều, tôi lại mắc chứng cao huyết áp, đau ốm liên miên. Bao nhiêu năm vất vả, tích cóp mãi mới được ít tiền để dành phòng khi trái gió, trở trời lúc tuổi già, nhưng giờ mất sạch rồi… Đúng là chúng tôi đang ở bước đường cùng”, bà Vân - vợ ông Đài nghẹn ngào nói. 

Trắng tay vì thần lửa

Chuyển đồ đạc lên khu tạm cư

Dò dẫm từng bước khó nhọc trên lối lên cầu thang, bà Lê Yến Thuỷ, sống ở P8 - C8, Hàm Tử Quan chỉ tay vào chiếc quạt điện cơ góc phòng mới mua thở dài: “Tối qua mẹ con tôi phải trích một phần số tiền 6 triệu đồng để mua chiếc quạt này về dùng, chứ nóng thế này không có quạt thì làm sao ngủ được. Gia đình tôi phải cân nhắc xem cái gì thật cần thiết mới dám sắm sửa chứ tiền bạc, tài sản đã ra tro hết...”. Hiện cuộc sống của bà Yến hết sức khó khăn, 5 năm nay, do bị tai biến nên việc đi lại của bà Yến khá vất vả. Cậu con trai út của bà năm nay sẽ vào lớp 5, quần áo, sách vở bà vừa sắm sửa cho cậu bé chuẩn bị vào năm học mới giờ đã bị lửa thiêu sạch. Do sức khoẻ yếu, chi tiêu hàng tháng của gia đình bà chủ yếu trông vào khoản tiền của cô con gái biếu nên khi nghĩ đến những ngày tháng trước mắt, bà Yến không kìm nổi nước mắt. 

Trong căn hộ khang trang nhưng trống hoác mới được phân ở tạm tại phòng 310 - Khu tái định cư A2 Phú Thượng, bà Bùi Thị Sự, 62 tuổi đang ngồi xuýt xoa với một bên cánh tay  sưng tấy. Từ hôm nhà bị cháy, mọi tài sản đáng giá góp nhặt cả đời trị giá khoảng 100 triệu đồng bỗng biến thành tro, bà Sự như người mất hồn. Bà bảo, dù rất mệt nhưng mấy hôm nay bà không thể nào ngủ được bởi cứ chợp mắt, hình ảnh cả khu nhà đang bốc cháy đùng đùng lại hiện ra. 

Đến thời điểm hiện tại, điều khiến bà Sự lo lắng nhất là toàn bộ giấy tờ có giá trị như hộ khẩu, sổ hưu, giấy tờ xe, giấy tờ nhà... cũng đã bị cháy rụi. Để làm lại những giấy tờ này, bà không lo mất nhiều thời gian, công sức mà chỉ sợ không có cơ quan nào dám đứng ra chứng nhận cho mình. “Có gặp ác mộng tôi cũng không thể nghĩ có lúc mình bị rơi vào hoàn cảnh này: Vô gia cư, không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc. Cuộc sống của tôi bây giờ trông chờ hoàn toàn vào số tiền lương hưu hàng tháng. Nay sổ hưu không còn, tôi chỉ lo không được nhận lương nữa thì khổ”- Bà Sự thở dài.

Chông chênh và thấp thỏm - đó là tâm trạng không chỉ của bà Sự mà còn của hàng chục hộ dân trong những ngày đầu phải xa nơi đã gắn bó với mình để dọn đến nơi ở mới. Dù đơn vị quản lý khu nhà đã tạo điều kiện cho các hộ dân trong việc lắp đặt điện nước nhanh chóng, song để hàng trăm con người có thể ổn định được cuộc sống không phải là chuyện “một sớm một chiều”.

Có chỗ ở tạm vẫn băn khoăn

Sáng 28-8, có 6 hộ dân (ở khu nhà C8, Chương Dương, Hoàn Kiếm bị cháy, đến làm thủ tục nhận nhà tạm cư tại khu nhà tái định cư A2, Phú Thượng, Hà Nội). Như vậy đến nay đã có 25 hộ dân được TP thu xếp tạm cư ở khu tái định cư này. PV ANTĐ đã trò chuyện, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những người dân đang gặp khó khăn nơi đây.

Ai cũng muốn sống ở nơi an toàn

Tôi ở độc thân, sau khi cháy không biết đi về đâu. May được thành phố hỗ trợ tiền, lại còn được ở khu tái định cư này tốt hơn hẳn. Cả khu nhà cũ đã cháy hết, tài sản cũng không còn. Chỗ cũ đã quá xuống cấp bao nhiêu năm rồi. Ai cũng mong sống ở nơi an toàn, đủ điều kiện sống. Đó là mong muốn tha thiết của chúng tôi. Bà Vũ Thị Sửu (68 tuổi)

Phải làm toàn diện

Nhà tôi ở khu C8 từ những năm 70. Lúc xảy ra cháy, vì đưa con đi học sớm, cả nhà 3 người chúng tôi đã ra khỏi nhà sớm. Trưa về đã thấy tất cả ra tro, xót xa lắm. Bao năm dành dụm mua được ít đồ đạc, nay chẳng còn gì. Giờ được thành phố hỗ trợ 6 triệu đồng, chúng tôi rất cảm ơn. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm cải tạo, hoặc xây dựng lại nhà ở, không chỉ ở khu chúng tôi, mà xung quanh đó còn rất nhiều khu nhà gỗ cũ, nếu làm phải làm toàn diện. Anh Tống Bá Quý (36 tuổi)

Ổn định chỗ ở mới làm ăn được

Cháy mấy phút đã thiêu sạch tài sản bao năm dành dụm. Được thành phố hỗ trợ thế này chúng tôi cảm ơn nhiều lắm, nhưng khoản hỗ trợ 6 triệu đồng sẽ mua được một cái nồi cơm điện, mấy cái xoong… và ăn được mấy bữa. Tôi mong thành phố tính toán và hỗ trợ thêm cho chúng tôi về lâu dài. Quan trọng là sớm cho chúng tôi định cư, vì ổn định chỗ ở mới làm ăn được. Ông Nguyễn Anh Đức (45 tuổi)

Theo Báo cáo nhanh số 48 ngày 28-8 của UBND phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm về việc khắc phục hậu quả nhà cháy tại khu nhà gỗ C8 phường Chương Dương, tính đến ngày 28-8 đã có 25 hộ nhận chìa khóa căn hộ và tiền trợ cấp tại nhà A2 Phú Thượng. Số hộ còn lại sẽ tiếp tục được rà soát và báo cáo Hội đồng vào chiều 29-8. Trước đó, ngày 27-8, UBND phường cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ cho 40 hộ với tổng số tiền là 240 triệu đồng, người đến ở trọ hỗ trợ 4 người (số tiền là 4 triệu đồng), hộ gia đình có người chết hỗ trợ thêm 4,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, UBND phường đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể ủng hộ cho hội viên và đoàn viên bị thiệt hại trong khi xảy ra cháy và sẽ tiếp tục rà soát, bước đầu đã vận động được 32 triệu đồng. Đối với đám tang của cụ Hoàng Thị Răm, ngoài số tiền 4,5 triệu đồng, UBND phường và các ban ngành đã hỗ trợ thêm 8 triệu đồng để lo cho cụ.